Vĩ mô

Người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh

Phúc Lam 13/11/2024 - 16:37

Chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, ùn tắc giao thông,... đã khiến nhiều người lao động ở TP.HCM quyết định “bỏ phố về quê”.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, chế độ giãn cách thắt chặt khiến nhiều người lao động quyết định về quê.

Tuy nhiên, sau đại dịch, lượng lao động trở lại thành phố không nhiều. Theo số liệu thống kê năm 2023 của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ người nhập cư TP.HCM chỉ tăng 0,67%, tương đương khoảng 65.000 người, giảm mạnh so với giai đoạn trước khoảng 200.000-250.000 người.

Khoảng hàng chục năm trước, TP.HCM như một “miền đất hứa” với nhiều cơ hội việc làm, hạ tầng phát triển,... tạo điều kiện cho người lao động cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống . Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự cạnh tranh từ những địa phương khác và sự gia tăng về chi phí sinh hoạt, ùn tắc giao thông,... của TP.HCM đã khiến nhiều người lao động quyết định “bỏ phố về quê”.

Chia sẻ với báo VnExpress, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, yếu tố quan trọng khiến người lao động rời đi là do chi phí sinh hoạt ở TP.HCM thuộc nhóm cao nhất, nhì cả nước. Vì vậy, một bộ phận người lao động không thể tiếp tục gồng gánh những khoản chi phí đắt đỏ, làm mà không có dư.

Bên cạnh đó, bà cũng chỉ ra những yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định rời thành phố của người lao động như: cơ hội việc làm đang được mở rộng ở các tỉnh, thành khác với các khu công nghiệp, doanh nghiệp về đầu tư; nhiều cơ chế, chính sách được địa phương đưa ra để hút lao động trở về.

Người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Năm 2022, VCCI và Tổ chức di cư quốc tế IOM thực hiện khảo sát hơn 1.200 lao động di cư làm việc ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Kết quả của khảo sát cho thấy 15,5% người lựa chọn về quê trong thời gian tới; 44,6% người lưỡng lự và 39,9% người chưa có dự định.

Phần lớn lao động tham gia khảo sát là người đã có gia đình, gửi con ở quê, đi làm ăn xa với hy vọng có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, trong số lao động có ý định trở về, hơn 38% cho biết thu nhập không đủ để trang trải các chi phí.

Bà Thúy cũng cho biết, nhiều nhà máy sản xuất ở TP.HCM có hơn 60% lao động đến từ các tỉnh, thành khác. Phần lớn họ để con ở quê, lên thành phố làm việc và sẽ hồi hương khi tích lũy được ít vốn. Nếu có những biến động về chính sách, việc làm, dịch bệnh, họ sẵn sàng trở về quê.

Bà nêu dẫn chứng về số lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao. Cụ thể, trong hai năm 2022 và 2023, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt con số kỷ lục khi mỗi năm lên đến gần 150.000 người.

Bên cạnh đó, già hóa dân số cũng là nguyên nhân khiến cơ cấu lao động thay đổi. Hiện nay, người trên 60 tuổi tại TP đã chiếm 10%; trong khi đó, TP.HCM là một trong những địa phương có tỷ lệ sinh con thấp nhất cả nước và liên tục suy giảm qua các năm. Trong gần 2 thập kỷ qua, mức sinh ở TP.HCM dao động ở mức 1,24-1,7, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì là 2-2,1 con trên mỗi phụ nữ.

Già hóa dân số làm dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp có sự thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn. Vì vậy, để phát triển bền vững, thành phố cần có những chính sách, biện pháp để nâng cao mức sinh.

Bên cạnh đó, để giữ chân người lao động, giải pháp trước mắt thành phố cần có các chế độ an sinh xã hội và tạo điều kiện tốt nhất để người lao động có thể phát triển. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển, từ đó sẽ tạo việc làm với mức thu nhập cao, hấp dẫn người lao động.

>>Những tháng cuối năm, ngành nghề nào ráo riết tuyển dụng?

Việt Nam thuộc top già hóa dân số nhanh nhất thế giới: Cơ hội vàng phát triển nền ‘kinh tế bạc’?

Dự báo dân số Việt Nam đạt 46 triệu người vào năm 2200

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nguoi-nhap-cu-vao-tphcm-giam-manh-259785.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh
    POWERED BY ONECMS & INTECH