Ông sinh ra tại Hy Lạp, song dành phần lớn tuổi xuân chiến đấu chống thực dân Pháp tại Việt Nam với cái tên Nguyễn Văn Lập.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Kostas Nguyễn Văn Lập có tên khai sinh là Kostas Sarantidis. Ông sinh năm 1927 tại Hy Lạp, trong một gia đình có 7 người con. Cha của ông là một người nhập cư gốc Tiểu Á và là một công nhân điển hình, làm việc trong các cửa hàng máy móc. Cuộc sống của ông thuở nhỏ là những năm tháng khó khăn và thiếu thốn đủ bề.
Năm 16 tuổi, ông Lập bị bắt đi lính phục vụ cho chế độ Đức Quốc xã, bị đưa vào quân đội lê dương của Pháp sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, sau đó đến Việt Nam theo đội quân viễn chinh Pháp. Tuy nhiên, tại đây, ông nhận thức rõ bản chất cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và giác ngộ cách mạng.
Hành trình trở thành người chiến sĩ Việt Nam của người lính Hy Lạp
Đêm 30/6/1946, Kostas Nguyễn Văn Lập trốn khỏi đội quân lê dương tới vùng tự do ở tỉnh Bình Thuận và tham gia lực lượng Việt Minh chống thực dân Pháp xâm lược. Ông được đặt tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập, chính thức gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, và là một trong những chiến sĩ "Việt Nam mới". Người bạn Santo Merinos đi cùng ông được đặt tên là Nguyễn Văn Vĩ (sau này hy sinh năm 1951 tại chiến trường Lào).
Đại tá Võ Văn Minh, người từng chung chiến hào với người lính Hy Lạp, kể năm 1949, khi đang là chiến sĩ Trung đoàn 803, đóng quân tại Hà Lam (Thăng Bình, Quảng Nam), đơn vị đón người lính da trắng, vóc dáng cao to là Kostas Nguyễn Văn Lập.
Ông Minh khi đó biết tiếng Pháp, còn ông Lập biết một chút ít ngôn ngữ này nên cấp trên giao nhiệm vụ "Lập đi đâu thì Minh phải đi đó để dạy tiếng Việt". Nhờ vậy hai người trở nên thân thiết, có lần cuốc bộ cùng nhau 10km chỉ để uống một ly cà phê ngon theo sở thích của Lập.
Trong trí nhớ của ông Minh, ông Lập phải đi chân đất vì cỡ chân quá to, không vừa dép Việt Nam. Và cũng chính vì vóc dáng to cao, khỏe mạnh nên hầu hết công việc vất vả, những khẩu pháo nặng nhất đều giao cho chiến sĩ Lập vác. Ông học tiếng Việt rất nhanh, chia sẻ công việc với mọi người nên ai cũng quý mến.
Khi tham gia Việt Minh, ông hoạt động trong các đơn vị chính quy Khu 5. Ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, ông được giao công tác địch vận, phát thanh vào đồn quân Pháp, gọi hàng được 40 lính lê dương bỏ hàng ngũ của Pháp và cứu sống được 120 người bị địch bắt.
Trong một trận đánh ở gần ga Phú Cang, tỉnh Quảng Nam, ông bắn hạ một máy bay Morane-Saulnier và bắt ba phi công Pháp. Sau đó, ông cùng đồng đội tham gia chống càn tại Hương An - Bà Rén ngày 13/4/1948, bẻ gãy đợt tiến công và tiêu diệt 200 lính Pháp.
Nguyễn Văn Lập cũng từng làm Tổng giám thị trại tù binh Âu - Phi số 3 ở Quảng Ngãi. Trong quá trình công tác, ông đã làm tốt công tác giáo dục, làm cho họ hiểu rõ chính nghĩa của Việt Nam chống xâm lược và chính sách nhân đạo của Chính phủ kháng chiến.
Với hàng loạt chiến công xuất sắc, năm 1949, ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập được vinh dự kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Cấp bậc cao nhất của ông Nguyễn Văn Lập là Đại úy.
Nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hy Lạp
Sau Hội nghị Geneve năm 1954, Nguyễn Văn Lập tập kết ra Bắc và lấy vợ 4 năm sau đó. Ông cùng gia đình xin phép trở về Hy Lạp năm 1965 vì mẹ ông mong chờ tin về con trai. "Mọi thứ khi đó thật khó khăn, tôi gần như quên sạch tiếng Hy Lạp và không hiểu gì cả. Tôi cố đọc và cũng chẳng hiểu vì mới chỉ học đến lớp 4. Vốn từ vựng của một đứa trẻ 10 tuổi có được bao nhiêu đâu", ông Lập nói.
Ông cho biết cảm thấy vui sướng khi nhận được tin Việt Nam đại thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông chia sẻ: "Từ ngày trở về Hy Lạp, tôi luôn nghĩ tới Việt Nam. Trong tâm trí tôi luôn có hình ảnh những trẻ em là nạn nhân chất độc dioxin. Tôi gặp các em trong vài chuyến thăm Đà Nẵng sau này. Nếu chứng kiến tận mắt, bạn sẽ thấy trái tim mình đau đớn đến chừng nào".
Dù không còn ở Việt Nam nhưng ông luôn nỗ lực không ngừng để hỗ trợ Việt Nam và góp sức thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hy Lạp. Ông từng có nhiều năm tận tụy làm công tác ngoại giao nhân dân và tâm huyết xây dựng cộng đồng người Việt tại Hy Lạp như một “Đại sứ tự nguyện” và được bà con Việt kiều vô cùng coi trọng và đánh giá cao.
Năm 2013, ông Nguyễn Văn Lập được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và là người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này của Việt Nam từ trước đến nay. Trước đó tháng 1/2011, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân chương Hữu nghị.
Người chiến sĩ gốc Hy Lạp của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua đời ngày 25/6 ở tuổi 94. Trong đám tang được tổ chức 4 ngày sau đó, Quốc kỳ Hy Lạp và Việt Nam lần lượt được phủ lên linh cữu ông.
"Tôi tự hào về những điều tôi đã và sẽ tiếp tục cống hiến cho Việt Nam với cả trái tim của mình, bởi họ xứng đáng với điều đó. Tôi yêu mến và kính trọng họ", người chiến sĩ gốc Hy Lạp chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014. "Tôi chẳng hối tiếc điều gì. Nếu cuộc đời tôi còn cơ hội tương tự, tôi sẽ làm giống hệt quá khứ".
Tham khảo:
- Anh hùng Kostas Nguyễn Văn Lập muốn 'nằm cạnh đồng đội Việt Nam - Báo VnExpress (2/8/2022)
- Hành trình người lính Hy Lạp trở thành chiến sĩ Việt Nam - Báo VnExpress (2/7/2021)
- Chuyện chưa kể về anh hùng Kostas Nguyễn Văn Lập - Báo Thanh Niên (26/1/2023)