Người phụ nữ 110 lần chuyển khoản vào tài khoản chính mình nhưng số dư cuối cùng bằng 0, chiêu lừa đảo khiến nhiều người sập bẫy
Vụ việc của cô Lưu là bài học cảnh tỉnh cho mọi người về những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, đặc biệt là các thủ đoạn giả danh công an để chiếm đoạt tài sản.
Một người phụ nữ ở Trung Quốc đã rơi vào bẫy lừa đảo tinh vi khi liên tục chuyển tiền vào tài khoản của chính mình theo yêu cầu của kẻ mạo danh công an. Tin rằng mình đang chứng minh sự trong sạch, cô đã thực hiện 110 lần chuyển khoản, nhưng cuối cùng toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng đột nhiên biến mất.
Tại Trùng Khánh, cô Lưu nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là công an Thượng Hải, thông báo cô đang bị điều tra vì liên quan đến một vụ rửa tiền. Hoảng hốt, cô lập tức hỏi cách chứng minh mình vô tội. Kẻ giả mạo trấn an rằng công an Thượng Hải sẽ liên lạc lại với cô.
Không lâu sau, một người khác gọi đến, tự nhận là sĩ quan từ Cục Công an Thượng Hải, thông báo rằng lệnh bắt giữ hình sự đã được ban hành và yêu cầu cô hợp tác điều tra. Để tăng tính thuyết phục, hắn cảnh báo cô phải giữ bí mật. Trong một cuộc gọi video, cô Lưu thấy đối phương đứng trong một trụ sở công an, xung quanh là nhiều người mặc đồng phục công an. Tin rằng mình đang làm việc với cơ quan chức năng thật, cô hoàn toàn mất cảnh giác.
Kẻ lừa đảo tuyên bố rằng để chứng minh tài chính minh bạch, cô Lưu cần liên tục chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác của chính mình nhằm đảm bảo tiền không bị kiểm soát bởi tội phạm. Vì tiền vẫn nằm trong hệ thống tài khoản cá nhân, cô không mảy may nghi ngờ. Trong suốt 20 ngày, theo hướng dẫn của "công an", cô đã thực hiện 110 lần chuyển khoản.
Đến ngày hôm sau, khi kiểm tra tài khoản, cô chết lặng khi phát hiện toàn bộ số dư đã về 0. Năm thẻ ngân hàng của cô, với tổng số tiền gần 200.000 NDT (khoảng 690 triệu đồng), đã bị rút sạch.
Chỉ khi đó, cô mới nhận ra mình đã bị lừa. Trong quá trình "hợp tác điều tra", cô vô tình cung cấp toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân và thậm chí đã truy cập vào đường link mà kẻ lừa đảo gửi. Đây chính là điểm mấu chốt khiến cô mất quyền kiểm soát tài khoản.
Khi nạn nhân nhấp vào liên kết độc hại, kẻ gian có thể giành quyền kiểm soát từ xa, sử dụng công nghệ chồng giao diện (overlay attack) để thao túng thiết bị mà nạn nhân không hề hay biết. Chúng có thể ghi lại thao tác chạm màn hình, sao chép dữ liệu sinh trắc học như vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt khi nạn nhân đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng. Nhờ đó, chúng dễ dàng rút sạch tiền trong tài khoản mà không cần mật khẩu.
Sau khi trình báo vụ việc, công an xác nhận đây là một vụ giả mạo công an nhằm chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng lừa đảo thường áp dụng quy trình 4 bước: Dọa nạt bằng danh nghĩa công an, dùng thông tin cá nhân thu thập trái phép để tạo áp lực tâm lý; tạo dựng niềm tin, dẫn dụ nạn nhân vào cuộc gọi video với bối cảnh giả mạo như thật; dùng giấy tờ giả để gây hoang mang, xuất trình lệnh bắt giữ giả để khiến nạn nhân hoảng loạn; cuối cùng là chiếm quyền điều khiển điện thoại, lách xác thực sinh trắc học để lấy tiền.
Công an cảnh báo rằng cơ quan chức năng không bao giờ xử lý vụ án qua điện thoại hoặc internet. Nếu nhận được cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền để "chứng minh trong sạch", người dân cần lập tức ngắt máy. Không bao giờ cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai. Khi nghi ngờ, hãy đến trực tiếp cơ quan công an để xác minh.
Vụ việc của cô Lưu là bài học cảnh tỉnh cho mọi người về những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, đặc biệt là các thủ đoạn giả danh công an để chiếm đoạt tài sản.
Chiêu lừa đảo mới: Tài khoản ngân hàng bất ngờ bị khóa, tiền bay sạch
Nhận diện 4 chiêu trò lừa đảo chuyển khoản nhầm phổ biến hiện nay