Người tham gia giao thông sẽ phải trả bao nhiêu khi cao tốc Bắc - Nam bắt đầu thu phí?
Việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc được Bộ Giao thông vận tải khẳng định là hết sức cần thiết nhằm triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công trên thực tế.
Cao tốc Bắc - Nam có cơ sở pháp lý rõ ràng để hợp thức hoá việc thu phí
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), khi thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc theo phương thức đầu tư công, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết liên quan đến việc thu hồi vốn Nhà nước:
Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 quy định: “Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước; đối với các dự án thành phần đầu tư công theo hình thức đối tác công tư được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.”
Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 quy định: “Xây dựng phương án, tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả vào ngân sách trung ương.”
Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 nêu rõ: “Hoàn thiện pháp luật về thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước".
>> Khu dân cư gần 6.000 tỷ đồng ngay sát sân bay lớn nhất Việt Nam có bước tiến mới
Ngoài ra, Luật Đường bộ số 35/2024/QH14 ngày 2/6/2024 đã quy định rằng Nhà nước sẽ thu phí sử dụng đường cao tốc đối với các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
Nguồn thu từ phí cao tốc sẽ được sử dụng như thế nào?
Quản lý và sử dụng nguồn thu từ phí sử dụng đường cao tốc sẽ được thực hiện như sau:
Cơ quan quản lý đường bộ tổ chức khai thác tài sản và nộp số phí thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định về phí và lệ phí.
Tổ chức nhận nhượng quyền thu phí, nhượng quyền kinh doanh - quản lý nộp số tiền nhận nhượng quyền vào ngân sách Nhà nước; số tiền phí thu được trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng không phải nộp vào ngân sách nhà nước, trừ phần doanh thu phải chia sẻ cho Nhà nước theo quy định.
Chính phủ cũng sẽ quy định cụ thể về điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc và việc thu phí đối với các đường cao tốc thuộc phạm vi quy định này.
Do vậy, theo Bộ GTVT việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc để triển khai trên thực tế là hết sức cần thiết.
Mức phí sử dụng đường cao tốc là bao nhiêu?
Bộ GTVT đang dự thảo Nghị định quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc. Theo dự thảo, mức phí sử dụng đường cao tốc sẽ được xác định dựa trên loại phương tiện, quãng đường thực tế phương tiện tham gia giao thông (km) và mức phí tương ứng với từng loại phương tiện (đồng/km).
Nhóm | Phương tiện chịu phí | Mức 1 | Mức 2 |
1 | Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng; | 1.300 | 900 |
2 | Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn; | 1.950 | 1.350 |
3 | Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn; | 2.600 | 1.800 |
4 | Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet; | 3.250 | 2.250 |
5 | Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet. | 5.200 | 3.600 |
Đơn vị: đồng/xe.km
Mức phí thu đối với phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ do Bộ GTVT quản lý, trong khi mức phí trên các tuyến cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. Cụ thể, mức phí áp dụng đối với từng tuyến, đoạn tuyến cao tốc sẽ được xác định tại Đề án khai thác tài sản đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.