Người Việt thực hiện hơn 4,47 tỷ giao dịch online chỉ trong 3 tháng
Người Việt đang sở hữu gần 157 triệu thẻ ngân hàng, trong khi từ 1/7 tới, hàng loạt tài khoản có nguy cơ bị chặn nếu chưa xác thực sinh trắc học.
Thẻ quốc tế tăng mạnh, thẻ nội địa giảm nhẹ
Theo số liệu mới nhất từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), tính đến hết quý I/2025, người Việt đang sở hữu gần 157 triệu thẻ ngân hàng còn hiệu lực – tăng thêm 1 triệu thẻ chỉ trong ba tháng đầu năm. Con số này cao gần gấp rưỡi so với cách đây bốn năm.
Đáng chú ý, thẻ thanh toán quốc tế tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Trong quý I, các tổ chức tín dụng đã phát hành khoảng 1,8 triệu thẻ quốc tế mới, nâng tổng số lên 50,2 triệu thẻ – gấp ba lần so với đầu năm 2021.
Ngược lại, lượng thẻ nội địa có dấu hiệu chững lại. Tổng số thẻ thanh toán trong nước hiện chỉ còn khoảng 107 triệu – giảm 700.000 thẻ so với cuối năm 2024 và là mức thấp nhất trong vòng một năm.
Dữ liệu cũng cho thấy thói quen thanh toán của người tiêu dùng đang dịch chuyển rõ rệt. Trong quý I/2025, giao dịch qua ATM (bao gồm rút tiền, chuyển khoản, gửi tiết kiệm...) đạt hơn 183 triệu lượt với tổng giá trị 662.800 tỷ đồng – giảm nhẹ 2.000 tỷ đồng so với quý trước.
Trong khi đó, giao dịch qua Internet và mobile banking tiếp tục tăng trưởng mạnh. Hơn 4,47 tỷ giao dịch được thực hiện với tổng giá trị vượt 41,8 triệu tỷ đồng – phản ánh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến.
Hiện nay, các tổ chức được phép phát hành thẻ bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty tài chính tiêu dùng.
Cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên có thể mở thẻ ghi nợ, tín dụng hoặc thẻ trả trước. Trẻ từ 6 đến 15 tuổi có thể sở hữu thẻ phụ nếu được người giám hộ đồng ý.
Các thẻ không phát sinh giao dịch chủ động từ 6 đến 48 tháng được các ngân hàng xếp vào diện “ngủ quên” hoặc “ngủ đông”. Trong thời gian này, tài khoản vẫn được tính lãi không kỳ hạn nếu duy trì số dư tối thiểu, nhưng vẫn bị trừ các khoản phí định kỳ như: phí quản lý, phí duy trì hoặc phí thường niên – dao động từ vài chục nghìn đến cả triệu đồng, tùy loại thẻ và chính sách ngân hàng.
![]() |
Trong quý I, hơn 4,47 tỷ giao dịch được thực hiện với tổng giá trị vượt 41,8 triệu tỷ đồng. |
Tăng cường bảo mật: Xác thực sinh trắc học bắt buộc từ 1/7
Bên cạnh yêu cầu quản lý thẻ “ngủ đông”, các quy định mới về xác thực thông tin cũng đang được siết chặt nhằm bảo vệ người dùng trong môi trường số. Theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN, từ ngày 1/7/2025, khách hàng tổ chức sẽ không thể thực hiện các giao dịch thanh toán, rút tiền qua kênh điện tử nếu chưa hoàn tất xác thực thông tin và sinh trắc học cho người đại diện hợp pháp.
Các ngân hàng đã gửi thông báo đến khách hàng, khuyến nghị thực hiện đối chiếu dữ liệu qua căn cước công dân gắn chip, VNeID hoặc xác thực trực tiếp tại chi nhánh, tránh chờ đến sát thời điểm khiến hệ thống bị quá tải. Đây là một phần trong chiến lược đảm bảo an toàn cho các giao dịch tài chính số, giữa bối cảnh tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi.
Tính đến tháng 4/2025, đã có hơn 108 triệu tài khoản cá nhân và hơn 20 triệu ví điện tử hoàn tất xác thực sinh trắc học. Tuy nhiên, nhóm khách hàng tổ chức mới chỉ đạt khoảng 41% tỷ lệ xác thực – đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn tài khoản có nguy cơ bị tạm ngừng giao dịch từ đầu tháng 7.
Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng việc triển khai rộng rãi xác thực sinh trắc học sẽ nâng cao tính minh bạch, an toàn của hệ sinh thái tài chính số và thương mại điện tử tại Việt Nam.
>> Trước 1/7, 3 đối tượng này trong doanh nghiệp bắt buộc phải xác thực sinh trắc học