Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cho biết: "Nguy cơ tổng thể liên quan tới biến chủng đáng lo ngại Omicron vẫn ở mức rất cao vì hàng loạt lý do".
Thế giới
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cho biết: "Nguy cơ tổng thể liên quan tới biến chủng đáng lo ngại Omicron vẫn ở mức rất cao vì hàng loạt lý do". Trong báo cáo được công bố mới nhất, tổ chức này đã nhấn mạnh một số dấu hiệu cho thấy những người đã tiêm chủng hoặc từng mắc COVID-19 có thể không tạo đủ kháng thể để ngăn chủng Omicron dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm cao và "những hậu quả nghiêm trọng".
Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo còn nhiều điều chưa rõ ràng về Omicron. Các đánh giá sơ bộ cho thấy Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn Deta nhưng vẫn cần thêm dữ liệu để xác định liệu nó có kém nguy hiểm so với những biến chủng trước đây không.
"Ngay cả khi triệu chứng của Omicron nhẹ hơn Delta, tỷ lệ nhập viện vẫn sẽ gia tăng vì khả năng lây nhiễm cao. Điều này có thể đặt thêm gánh nặng lên hệ thống y tế và khiến nhiều người tử vong hơn", trích từ báo cáo.
WHO cho biết, tổ chức sẽ cung cấp thêm nhiều dữ liệu trong những tuần tới vì độ trễ thời gian từ lúc người bệnh nhiễm virus cho đến khi xuất hiện triệu chứng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford của Anh hôm qua cũng công bố kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy, tỷ lệ kháng thể trung hòa với Omicron đã suy giảm đáng kể ở những người đã tiêm hai liều vaccine COVID-19.
Biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/11, hiện đã xuất hiện ở trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù WHO xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại song đến nay chưa có dữ liệu chính xác về mức độ lây lan hay độc lực của nó.
Anh hôm qua thông báo ca tử vong đầu tiên tại nước này do chủng Omicron nhưng không cho biết chi tiết về bệnh nhân. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết Omicron lây lan với tốc độ "chưa từng thấy trước đây", nhận định nó nhiều khả năng đang chiếm tới 40% ca nhiễm ở thủ đô London.
Trong nước
Trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mới đây đã ký công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trước biến thể Omicron.
Bộ Y tế điện và đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể :
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân, trong đó tập trung vào các trụ cột chính: xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân.
Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn trên quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng, Trạm y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.
Tại công điện này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo việc tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến thể Omicron như: khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Žimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique...) và một số quốc gia khu vực châu Âu.
Thực hiện nghiêm việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm, viêm phổi nặng do virus, giám sát dựa vào sự kiện, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19; chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến thể Omicron đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định. Kịp thời cách ly y tế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.
Công điện của Bộ Y tế cũng nhắc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền) ngay khi được phân bố vắc-xin, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Rà soát và khẩn trương hoàn thành việc tiêm chủng đủ liều cơ bản với các trường hợp từ 18 tuổi trở lên; triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn...
Thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; tổ chức tốt việc điều phối và công tác phân tầng điều trị; bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất. Tổ chức sử dụng thuốc trong điều trị COVID-19 ngay sau khi được phân bổ, tiếp nhận.
Cùng đó, các tỉnh, thành phố phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp, trường học. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19.
Gần 271 triệu ca nhiễm COVID-19
Thế giới đã ghi nhận gần 271 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 5,3 triệu ca tử vong vì COVID-19, trong khi gần 242 triệu người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Người dưới 18 tuổi không được chơi một game quá 60 phút/ngày
Người Việt Nam dùng muối i-ốt chỉ 27%, thấp hơn 3 lần khuyến cáo của WHO