Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc, đâu là lý do?

02-06-2023 11:17|Thủy Tiên

Chỉ trong tháng 5, các nhà đầu tư ngoại đã bán ròng 12,1 tỷ nhân dân tệ (1,7 tỷ USD) cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Sau 3 năm đóng cửa do dịch bệnh Covid-19, chính quyền Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại đã dấy lên hy vọng nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ phát triển bùng nổ. Nhà đầu tư nước ngoài, vì thế, mua ròng 281 tỷ nhân dân tệ (39,6 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc từ tháng 11/2022 đến tháng 3/2023.

Thế nhưng đến tháng 5/2023, nhà đầu tư ngoại đã "quay xe", bán ròng 12,1 tỷ nhân dân tệ (1,7 tỷ USD) cổ phiếu niêm yết ở thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông sau khi đã "xả" 4,55 tỷ nhân dân tệ tháng trước đó.

Cuối tháng 5, chỉ số Hang Seng China Central SOE, tập trung vào các doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất, giảm 9,9% so với ngày 8/5; chỉ số Hang Seng China Enterprises tập trung vào công nghệ cũng giảm 8,9%.

Điều này là sự đảo ngược so với vài tháng đầu năm nay khi cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước vượt trội so với lĩnh vực công nghệ tư nhân.

Theo chuyên gia Herald Van Der Lindem của ngân hàng HSBC, có sự thay đổi trong chiến lược đầu tư của các quỹ quốc tế khi đầu năm họ còn tin tưởng vào thị trường chứng khoán Bắc Kinh, nhưng giờ đây lại tìm kiếm nguồn lợi nhuận từ các thị trường khác trong khu vực châu Á.

Vậy tại sao nhà đầu tư nước ngoài mất dần “khẩu vị” với cố phiếu doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc?

Hệ thống định giá cổ phiếu mang bản sắc Trung Quốc

Khi nền kinh tế 1,4 tỷ dân này đang muốn áp dụng “một hệ thống định giá mang bản sắc Trung Quốc", đã có những tín hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang muốn buông dần những cổ phiếu này.

Ông Yi Huiman, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc, đã giới thiệu khái niệm “một hệ thống định giá mang bản sắc Trung Quốc” từ cuối năm ngoái. Hệ thống này sẽ được áp dụng để định giá các công ty được kiểm soát bởi nhà nước, tư nhân và nước ngoài. Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính nhà nước chiếm gần một nửa vốn hóa thị trường trong nước.

Phát biểu này được hiểu là khuyến khích nhà đầu tư mua cổ phiếu của các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Sau khi ông Yi Huiman đề xuất hệ thống định giá mới, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp quốc doanh đã tăng vọt trong vài phiên giao dịch sau đó, thấp thì khoảng 10%, thậm chí có công ty tăng cao hơn 50%, theo Bloomberg.

Điều này do cổ tức mà các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc trả lại cho nhà đầu tư vẫn hấp dẫn hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Ví dụ, tỷ suất cổ tức trên cổ phiếu của ICBC là hơn 6%, trong khi tỷ suất lợi tức của trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm là dưới 3%.

Tuy vậy, sức hấp dẫn của khái niệm “một hệ thống định giá mang bản sắc Trung Quốc” lại không rõ ràng lắm nếu xét ở góc độ doanh nghiệp.

Theo Kenny Ye, giám đốc điều hành của hãng tàu biển Orient Overseas Container Line, khái niệm định giá là một vấn đề “nhạy cảm” khi trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia. “Chúng tôi không thể bình luận về điều này, bởi có thể các bình luận này sẽ đánh lừa thị trường,” Kenny Ye nói.

Trong khi đó, Xu Bo, phó giám đốc điều hành của Shanghai Industrial Holdings, một nhà phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản cho biết, bản thân thiếu thông tin về khái niệm này. Do đó, không thể tham gia trong hệ thống định giá mang bản sắc Trung Quốc nếu không hiểu đúng về nó.

Kinh tế hồi phục chậm lại

Nguyên nhân thứ 2 khiến các nhà đầu tư ngoại mất dần “khẩu vị” đối với chứng khoán Trung Quốc là tốc độ hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không được như kỳ vọng.

Theo số liệu mới nhất được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - thước đo chủ chốt đối với sản lượng của các nhà máy - đã giảm xuống 48,8 trong tháng 5. Như vậy, chỉ số này tiếp tục giảm sau khi xuống mức 49,2 trong tháng 4, đảo ngược xu hướng tăng trưởng của ba tháng liên tiếp trước đó, làm dấy lên lo ngại về đà tăng trưởng ở Trung Quốc.

Australian Dollar: Chinese Manufacturing Data Offers Temporary Relief
Chỉ số PMI Trung Quốc.

Vậy tại sao chỉ số PMI lại quan trọng? Thông thường, chỉ số PMI trên ngưỡng 50 cho thấy kinh tế của Trung Quốc tốt lên, các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, ngược lại PMI dưới 50 cho thấy lĩnh vực sản xuất bị thu hẹp. Các đơn đặt hàng mới, trong đó có các đơn hàng xuất khẩu, hiện đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, cho thấy nhu cầu yếu hơn không chỉ cho xuất khẩu mà còn cho đầu tư vốn.

Khi chỉ số PMI giảm, giá cổ phiếu có xu hướng giảm theo. Lấy ví dụ từ giá cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước COSCO Shipping Holdings.

Trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến 20/4, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu COSMO, đẩy giá cổ phiếu tăng 7,8% từ 10,79 nhân dân tệ lên 11,64 nhân dân tệ. Nhưng từ ngày 21/4 đến ngày 31/5, các nhà đầu tư ngoại đã bán ròng 1,5 tỷ nhân dân tệ cổ phiếu của công ty này, đẩy cổ phiếu COSCO xuống còn 10,44 nhân dân tệ.

Giá trị xuất khẩu 'báu vật' của Việt Nam tăng hơn 17%, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất

Báo động thế mạnh ‘tỷ đô’: Hàng bán hết qua Trung Quốc, DN phải đóng cửa nhà máy

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-thao-chay-khoi-thi-truong-chung-khoan-trung-quoc-dau-la-ly-do-185949.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc, đâu là lý do?
    POWERED BY ONECMS & INTECH