Nhà ga xe lửa duy nhất ở Tây Nguyên, nằm ở độ cao hơn 1.500m sở hữu loại hình đường sắt hiếm có bậc nhất thế giới
Ga được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là Reveron và Moncet, mô phỏng phong cách các nhà ga miền Nam nước Pháp.
Ga Đà Lạt tọa lạc trên đường Quang Trung, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp này được khởi công xây dựng từ năm 1932 và hoàn thành vào năm 1938, trở thành nhà ga xe lửa duy nhất tại Tây Nguyên, nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển.
Ga được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là Reveron và Moncet, mô phỏng phong cách các nhà ga miền Nam nước Pháp.
Điểm nhấn kiến trúc của ga là ba mái chóp lớn cao 11m, dài 66,5m, rộng 11,4m, gợi liên tưởng đến ba đỉnh núi Langbiang hùng vĩ hoặc các ngôi nhà rông đặc trưng của Tây Nguyên. Hai khối kiến trúc phụ chạy dọc hai bên tòa nhà chính, tạo nên tổng thể hài hòa và độc đáo.
> > Từ bây giờ, tự ý sửa thông tin trên sổ đỏ sẽ bị xử lý thế nào?
Trải qua gần 90 năm tồn tại, ga Đà Lạt vẫn bảo tồn được nhiều dấu tích nguyên bản. Tuyến đường sắt tại đây từng là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa hiếm hoi trên thế giới.
Tuyến này nối liền Phan Rang và Đà Lạt, dài 84km, trong đó có 16km đường răng cưa giúp tàu vượt qua các địa hình đồi núi dốc đứng. Loại hình đường sắt ba ray với thiết kế răng cưa ở giữa này chỉ tồn tại ở hai nơi: Đà Lạt và Thụy Sĩ.
Đặc biệt, tại ga vẫn còn lưu giữ đầu máy xe lửa hơi nước cùng hệ thống bánh xe, trục truyền động và điều áp nguyên bản – những hiện vật quý giá gắn liền với lịch sử ngành đường sắt.
Với kiến trúc độc đáo và cổ kính, ga Đà Lạt đã trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách. Không chỉ chiêm ngưỡng nét đẹp lịch sử, du khách còn có thể trải nghiệm các dịch vụ hấp dẫn tại đây.
Hàng ngày, ngành đường sắt vận hành đoàn tàu du lịch gồm một đầu máy và ba toa xe, phục vụ hành trình dài 7km từ Đà Lạt đến Trại Mát. Ngoài ra, những chuyến tàu đêm cũng mang đến trải nghiệm mới mẻ cho người yêu thích khám phá.
Vào năm 2001, Ga Đà Lạt được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Đến tháng 6/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công nhận "Ga đường sắt Đà Lạt" là điểm du lịch, văn hóa, nghệ thuật và di sản của địa phương.
Theo ông Nguyễn Võ Minh Chánh - Trưởng ga Đà Lạt, hiện nay nhà ga vẫn giữ được đến 90% kiến trúc gốc từ thời Pháp, chỉ một số hạng mục lâu năm bị hư hỏng không thể phục hồi.
Để thu hút khách tham quan, nhà ga đã triển khai nhiều hoạt động phong phú như tổ chức tiệc cưới trên tàu, chương trình âm nhạc, tour tham quan Đà Lạt - Trại Mát.
Nhờ những nỗ lực này, trong năm 2024, ga Đà Lạt đã đón khoảng 550.000 lượt khách. Ông Chánh cho biết, trong thời gian tới, nhà ga sẽ phối hợp với các đối tác phát triển thêm nhiều dịch vụ mới nhằm mang lại những trải nghiệm đa dạng hơn cho du khách.