Nhà mạng gợi ý cách hạn chế chiêu trò lừa đảo qua điện thoại

04-04-2023 08:12|Minh Khôi

Để hạn chế kẻ gian dùng số điện thoại thực hiện hành vi lừa đảo, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng chuẩn hóa thông tin đối với thuê bao di động, khóa những thuê bao không chuẩn hóa thông tin.

Xử lý 1,67 triệu thuê do chưa chuẩn hóa thông tin

Theo thống kê, trong 3,8 triệu thuê bao cần chuẩn hóa thông tin (1,3 triệu thuê bao Viettel; 1,1 triệu thuê bao VNPT và 1,4 triệu thuê bao Mobifone) đã có 2,17 triệu thuê bao được chuẩn hóa thông tin theo quy định (chiếm 56,49%).

Sau hơn nửa tháng triển khai, tính đến chiều 1/4 vẫn còn khoảng 1,67 triệu thuê bao chưa khớp thông tin với dữ liệu quốc gia về dân cư. Những thuê bao đó gồm: Sim rác (số dư 0 đồng, thuê bao không hoạt động) và những thuê bao không đăng ký lại thông tin cá nhân dù đã nhận được thông báo.

Khi bị khóa 1 chiều, nếu chủ thuê bao không chuẩn hóa thông tin, số thuê bao đó sẽ tiếp tục bị khóa 2 chiều từ ngày 15/4/2023, và từ ngày 15/5/2023, số thuê bao không chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi.

Số lượng tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo sẽ được quản lý chặt chẽ hơn và số vụ lừa đảo qua điện thoại di động sẽ giảm trong thời gian tới.

Việc nhận tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo là hiện tượng rất phổ biến, hầu như người dân nào sử dụng điện thoại di động cũng từng trải qua. Khi đối tượng gọi đúng số điện thoại, thậm chí gọi đích danh tên người nghe, điều này có nghĩa là thông tin cá nhân của họ đã bị lộ.

Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam cho biết việc để lộ, lọt thông tin cá nhân có nhiều nguồn khác nhau như mua dữ liệu cá nhân từ nhiều nguồn bất chính trên mạng, lấy thông tin từ những người liên quan đến đối tượng, đôi khi do chính người dùng đã để lọt thông tin cá nhân khi khai báo, sử dụng các ứng dụng trên mạng, qua các app điện thoại…

Hạn chế lừa đảo mạo danh

Gần đây, chuyên gia an ninh bảo mật đã đưa ra cảnh báo về chiêu thức lợi dụng công nghệ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên Deepfake để mạo danh lừa đảo với hình thức hoàn toàn mới. Công nghệ Deepfake có khả năng làm giả video và giọng nói của một người dựa trên nguồn dữ liệu được cung cấp.

Trước đây, đối tượng lừa đảo thực hiện các cuộc gọi video mạo danh trên các ứng dụng liên lạc (Messenger, Zalo…) bằng cách dùng một tấm ảnh của người bị mạo danh rồi áp dụng hiệu ứng làm hình ảnh có vẻ hơi cử động.

Hiện nay, với công nghệ Deepfake, kẻ lừa đảo có thể tạo ra một đoạn video với hình ảnh chuyển động như thật, được lồng tiếng bằng giọng nói giống với người bị mạo danh. Vừa nói chuyện, vừa nhìn thấy mặt người gọi, kẻ lừa đảo đã dùng công nghệ Deepfake, thông qua cuộc gọi có hình (video call) để thực hiện hành vi lừa gạt.

Theo phản ánh trên các trạng mạng xã hội, nhiều vụ việc đã xảy ra trên thế giới và bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Điểm chung của những thủ đoạn trên là tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu, người thân phạm tội bị cơ quan chức năng bắt giữ, đang cần tiền để giải quyết, đang gặp khó khăn trong công việc, cần một khoản tiền để giải quyết nhanh rồi sẽ trả lại sau...

Đặc điểm của những cuộc gọi như vậy thường có tín hiệu không ổn định, hình ảnh không rõ ràng mặc dù vẫn mang những nét tương đồng về hình ảnh hoặc giọng nói của người đó. Thậm chí, cách xưng hô cũng giống do những thông tin, thói quen của người dùng đã bị công nghệ thu thập, nghiên cứu trước khi tạo hình ảnh giả mạo.

Theo thống kê của cơ quan công an, một số thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao thường sử dụng, thông qua điện thoại để lừa đảo gồm làm giả tài khoản mạng xã hội; sử dụng công nghệ Deepfake giả cuộc gọi video để vay tiền, nhờ chuyển khoản; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án nhắn tin, gọi điện; giả danh hải quan, công an thanh lý xe “trốn thuế;” cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản rồi gọi điện đòi; mạo danh nhân viên y tế, giáo viên, gọi điện báo học sinh bị tai nạn.

Ngoài ra, còn có các hình thức lừa đảo mời gọi đầu từ tài chính, tiền ảo trên web, ứng dụng giả, quảng cáo cho vay tiền online với thủ tục đơn giản, giả mạo thương hiệu, nhãn hàng tặng quà tri ân nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập, giả mạo nhân viên công ty sổ số cho biết trước kết quả để mời mua xổ số, thông qua mạng xã hội kêu gọi quyên góp, ủng hộ tiền làm từ thiện, gửi mã QR nhờ bình chọn cuộc thi hoặc kết bạn Zalo…

Lời khuyên của chuyên gia công nghệ là khi gặp những tình huống nghi ngờ bị lừa đảo, đầu tiên người dân cần bình tĩnh; sau đó cố gắng xác minh những thông tin mới nhận được từ vài nguồn khác nhau trước khi thực hiện việc chuyển tiền.

Cảnh báo lừa đảo đặt nhà hàng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 để chiếm đoạt tiền

Nhãn hàng điện thoại đắt hơn vàng sắp khai trương show room đẳng cấp nhất TP. HCM

Sử dụng mạng xã hội dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sao cho an toàn?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nha-mang-goi-y-cach-han-che-chieu-tro-lua-dao-qua-dien-thoai-176632.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nhà mạng gợi ý cách hạn chế chiêu trò lừa đảo qua điện thoại
POWERED BY ONECMS & INTECH