Bắt hơn 1.000 người đa quốc gia, tịch thu hơn 2.500 điện thoại di động, 800 máy tính, đóng cửa 18.000 trang web bất hợp pháp
Trong vòng 48 giờ sau khi Thủ tướng Hun Manet đưa ra chỉ thị "nóng", các cuộc truy quét phối hợp đã diễn ra trên khắp cả nước, triệt phá hàng chục đường dây lừa đảo trực tuyến.
Theo Khmer Times đưa tin, ngày 16/7, cảnh sát Campuchia đã bắt giữ hơn 1.000 người trong chiến dịch đột kích quy mô lớn nhằm vào hàng loạt trung tâm lừa đảo trực tuyến trên khắp nước này.
Trong vòng 48 giờ sau khi Thủ tướng Hun Manet đưa ra chỉ thị "nóng", các cuộc truy quét phối hợp đã diễn ra trên khắp cả nước, kết quả bắt giữ hơn 1.000 đối tượng.

Tại Phnom Penh, lực lượng chức năng đã đột kích các tòa nhà ở các quận Tuol Kork, Sen Sok và Boeng Keng Kang, bắt giữ tổng cộng 333 người, gồm 149 người Việt Nam, 85 người Campuchia và gần 100 người Trung Quốc. Đồng thời, cảnh sát tịch thu 469 điện thoại di động, 122 máy tính để bàn, máy tính xách tay, hàng chục hộ chiếu và xe cộ.
Tại Preah Sihanouk, 63 người Việt Nam đã bị bắt giữ tại 4 địa điểm và thu giữ 54 máy tính, 58 điện thoại cùng nhiều thiết bị công nghệ khác.
Một cuộc đột kích khẩn cấp tại thành phố Poipet, tỉnh Banteay Meanchey cũng đã bắt giữ 271 người Indonesia, thu giữ 341 máy tính và 352 điện thoại di động.
Trong khi đó, tỉnh Kratie ghi nhận một trong những vụ bắt giữ lớn nhất, với 312 người nước ngoài đến từ Việt Nam, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia, Trung Quốc và Myanmar. Chính quyền cũng tịch thu 329 máy tính và 1.630 điện thoại di động tại hiện trường.
Tại các tỉnh, thành khác cũng tổ chức các đợt truy quét, bắt giữ hàng trăm đối tượng.

Thời gian qua, Campuchia liên tục triệt phá những vụ án lừa đảo trực tuyến quy mô lớn. Chính quyền Campuchia thể hiện quyết tâm đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Tháng 2/2025, Thủ tướng Hun Manet yêu cầu các bộ, ban, ngành, lãnh đạo quân đội, cảnh sát, chuyên gia an ninh mạng... điều tra, triệt phá các vụ án liên quan đến lừa đảo trực tuyến. Thủ tướng nhấn mạnh cần triển khai lực lượng vũ trang, triệt phá các tổ chức lừa đảo, truy tố các thủ lĩnh băng đảng và giải cứu, phục hồi nhân phẩm cho các nạn nhân bị buôn người.
Đến nay, hơn 18.000 trang web bất hợp pháp đã bị đóng cửa, hàng chục tổ chức lừa đảo đã bị triệt phá, hàng trăm vụ bắt giữ được thực hiện và hơn 1.000 nạn nhân đã được giải cứu.
Nguồn: Khmer Times
>>Phía sau chiến dịch đưa 681 công dân Việt Nam từ tụ điểm lừa đảo Myanmar về nước
Cảnh báo 9 số điện thoại lừa đảo mới nhất, người dân tuyệt đối không nên nghe, kết bạn Zalo
Lãnh đạo Bộ Công an cảnh báo 4 thủ đoạn các đối tượng lừa đảo trực tuyến thường sử dụng