Nhà mạng không đứng ngoài cuộc đua đầu tư vào trung tâm dữ liệu

12-08-2023 07:46|Du Lam

Không chỉ có các hãng công nghệ như Microsoft, Google, nhà mạng khắp thế giới cũng đang tăng cường đầu tư vào trung tâm dữ liệu (data center) để bắt kịp nhu cầu của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.

Các “ông lớn” như Alphabet, Microsoft đều sẽ tăng cường đầu tư vào trung tâm dữ liệu điện toán đám mây để hỗ trợ công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là diễn biến đáng chú ý đối với các hãng viễn thông thế giới vì họ cũng đang trong quá trình đầu tư vào dịch vụ AI riêng. Ngoài ra, nhà mạng còn chuyển nhiều hoạt động công nghệ thông tin (CNTT) và chức năng mạng vào trung tâm dữ liệu đám mây.

Nhu cầu điện toán của AI

Theo các nhà phân tích của hãng TD Cowen, nhu cầu thuê trung tâm dữ liệu siêu lớn (hyperscale data center) vẫn mạnh mẽ. Đó là tin mừng đối với các công ty vận hành trung tâm dữ liệu như Equinix và DigitalBridge, cũng như các nhà cung ứng linh kiện mạng như Nokia, Juniper Networks, Coherent, Ciena…

Các chuyên gia của TD Cowen suy đoán nhu cầu ngày càng tăng đối với mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như ChatGPT sẽ tăng đầu tư vào trung tâm dữ liệu hyperscale. Khác với việc triển khai trung tâm dữ liệu truyền thống, khối lượng công việc của AI đòi hỏi mật độ năng lượng cao hơn nhiều, khoảng 30-50kW/cabin. Trong một số trường hợp lên tới hơn 100kW/cabin.

Nhà mạng thế giới đang tăng cường đầu tư vào trung tâm dữ liệu để giảm lệ thuộc vào nguồn thu truyền thống. (Ảnh: Cybrain).

Để hỗ trợ triển khai, cần làm mát bằng chất lỏng cho cabin hoặc chip. Tuy nhiên, các trung tâm dữ liệu thường sử dụng làm mát bằng không khí, việc triển khai AI có thể diễn ra trong các trung tâm dữ liệu mới có khả năng làm mát bằng chất lỏng. Dù có thể nâng cấp data center cũ, phương án này không tối ưu khi xét tới chi phí phải bỏ ra.

Các quan chức từ Alphabet khẳng định sẽ thực hiện bất kỳ khoản đầu tư nào cần thiết để hỗ trợ điện toán đám mây. Tổng chi phí vốn đầu tư năm 2023 sẽ cao hơn một chút so với năm 2022, theo Giám đốc tài chính Ruth Porat. Ông nhận xét AI là thành phần quan trọng, làm nền tảng cho mọi thứ tại Google.

Microsoft cũng có chung quan điểm khi tiết lộ chi phí đầu tư sẽ gia tăng và được dẫn dắt bởi các khoản đầu tư vào hạ tầng Azure AI.

Góc nhìn của nhà mạng

Bình luận của Microsoft và Google rất quan trọng với các nhà mạng và doanh nghiệp khác trong ngành viễn thông vì nhiều lý do.

Thứ nhất, trung tâm dữ liệu đang chứa nhiều thành phần mạng quan trọng. Chẳng hạn, AT&T và Dish Network đã đặt một số phần mềm mạng lõi vào đám mây, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với trung tâm dữ liệu đám mây. Một loạt các nhà mạng khác được dự đoán làm điều tương tự để cắt giảm chi phí và duy trì sự linh hoạt.

Đồng thời, nhà mạng đang tích cực để mắt đến các công nghệ AI như ChatGPT để xem có thể tích hợp vào việc kinh doanh hay không. Hãng tư vấn PwC vừa công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD trong ba năm tới để mở rộng năng lực AI cho khách hàng.

Nhà phân tích Doug Dawson của hãng tư vấn CCG nhìn thấy tương lai nơi các nhà mạng lớn sử dụng sâu rộng công nghệ AI mới. Ông dự đoán một số ISP sẽ tự động hóa toàn toàn chức năng backoffice để thay thế nhiều nhân sự hành chính, văn phòng, kế toán, chăm sóc khách hàng. Nếu AI đáp ứng được dù chỉ phần nhỏ các lợi ích này, nền kinh tế sẽ chứng kiến sự thay đổi quan trọng. Làm việc trong lĩnh vực viễn thông hay bất kỳ ngành nghề nào khác cũng sẽ không như cũ nữa.

Đây là nhận định có cơ sở nếu nhìn vào các động thái gần đây của nhà mạng khắp thế giới. Chẳng hạn, NTT của Nhật Bản thông báo sẽ đầu tư 8 nghìn tỷ yen (59 tỷ USD) trong 5 năm tới cho AI, data center và các lĩnh vực khác. Ít nhất 1,5 nghìn tỷ yen sẽ dành cho mở rộng và nâng cấp trung tâm dữ liệu, còn bộ phận kỹ thuật số, bao gồm AI và robot nhận tối thiểu 3 nghìn tỷ yen. Theo Chủ tịch Akira Shimada, NTT đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng để tăng cường khả năng kiếm tiền.

Nhà mạng Spark của New Zealand cũng công bố kế hoạch 3 năm, đầu tư từ 156 triệu đến 189 triệu USD cho trung tâm dữ liệu. Trong thông cáo báo chí, Spark nêu tầm nhìn dần giảm lệ thuộc vào các tháp phát sóng và thay vào đó khai thác thị trường data center đang phát triển. Trước đó, hãng viễn thông này đã bán 70% cổ phần trong bộ phận tháp vào năm 2022 để có ngân sách rót vào trung tâm dữ liệu.

Chủ tịch Spark, Justine Smyth, tiết lộ đầu tư vào data center và 5G độc lập sẽ mở ra cơ hội thương mại hóa mới trên mọi thị trường băng rộng cố định và di động chính, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng các giải pháp công nghệ cao mới. Theo thông tin trên website, Spark hiện vận hành 12 trung tâm dữ liệu khắp New Zealand.

(Tổng hợp)

Nga dự kiến phát miễn phí vắc xin ung thư cho bệnh nhân

Hàng loạt tên tuổi lớn tham gia ủy ban tiêu chuẩn AI của Trung Quốc

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nha-mang-khong-dung-ngoai-cuoc-dua-dau-tu-vao-trung-tam-du-lieu-2169358.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhà mạng không đứng ngoài cuộc đua đầu tư vào trung tâm dữ liệu
    POWERED BY ONECMS & INTECH