Nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam do Pháp xây dựng: Từng mang quy mô 'khủng' nhất Đông Dương, nay là địa chỉ du lịch không thể bỏ lỡ cách Đà Lạt chỉ 15km

06-06-2024 08:45|Thùy Dung

Công trình được người Pháp khởi công xây dựng và trở thành nền móng cho sự phát triển của điện lực Việt Nam sau này.

Tọa lạc tại xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, nhà máy thủy điện Ankroet như một dấu ấn lịch sử ghi dấu chặng đường phát triển của ngành điện lực Việt Nam. Ankroet nằm sâu trong thung lũng Dan Kia - Suối Vàng, giữa rừng thông, cách TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) khoảng 15km.

Được xây dựng vào năm 1942 bởi người Pháp và hoàn thành vào năm 1944, Ankroet từng là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Dương với công suất thiết kế ban đầu là 600kW, hòa điện với nhà máy điện diesel, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng và cả nước.

Ankroet từng là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Dương

Ankroet từng là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Dương

Công trình do người Pháp thi công trong nhiều năm mới hoàn thành trong bối cảnh chủ yếu dựa vào sức người và công cụ hỗ trợ thô sơ. Theo thiết kế ban đầu của người Pháp, đập - hồ Ankroet là đập tự tràn xây bằng đá chẻ dài 97m, cao 10m, dung tích hồ chứa 1 triệu m3 nước.

Công trình được xây dựng vào năm 1942 bởi người Pháp và hoàn thành vào năm 1944

Công trình được xây dựng vào năm 1942 bởi người Pháp và hoàn thành vào năm 1944

Không chỉ là công trình thủy điện đầu tiên tại Việt Nam, Ankroet còn trở nên đặc biệt hơn khi có một đường hầm xuyên núi được đào thủ công để phục vụ cho quá trình sản xuất điện. Cửa nhận nước và đường hầm xuyên núi dài 536m hình móng ngựa với đường kính 1,65m và có giếng thủy áp cuối đường hầm cao 44m (đường kính 4m). Đường ống thủy lực nối xuống nhà máy bằng thép dài 160m. Tại nhà máy lắp đặt 2 tổ máy, mỗi máy 300kW, tuốc bin hiệu BELL, máy phát hiệu CEM-LEHAVRE do Mỹ sản xuất.

Ankroet còn trở nên đặc biệt hơn khi có một đường hầm xuyên núi được đào thủ công để phục vụ cho quá trình sản xuất điện

Ankroet còn trở nên đặc biệt hơn khi có một đường hầm xuyên núi được đào thủ công để phục vụ cho quá trình sản xuất điện

Ông Trần Ngọc Vĩnh Phúc - Quản đốc nhà máy thủy điện Ankroet chia sẻ với Báo Lâm Đồng: “Để có thể xây dựng thành công nhà máy thủy điện trong điều kiện không có máy móc hỗ trợ đã có hàng ngàn công nhân xây dựng được điều động từ mọi miền của đất nước về đây và các chuyên gia ra sức làm việc không mệt mỏi”.

Hiện nay, nhà máy thủy điện Ankroet được Công ty Điện lực Lâm Đồng thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam quản lý, vận hành. Sau nhiều lần cải tạo, công suất nhà máy hiện đang được nâng lên mức 4.400 kW, điện lượng thiết kế trung bình năm khoảng 21,66 triệu kWh.

Hiện nay, nhà máy thủy điện Ankroet được Công ty Điện lực Lâm Đồng quản lý

Hiện nay, nhà máy thủy điện Ankroet được Công ty Điện lực Lâm Đồng quản lý

Tuy nhiên hiện tại, thủy điện Ankroet không còn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện như trước đây. Song, đây là công trình thủy điện có nhiều yếu tố cốt lõi có giá trị về lịch sử, kỹ thuật xây dựng, công nghệ và kiến trúc cảnh quan. Nhà máy Thủy điện Ankroet là địa điểm thu hút du khách thập phương lui tới với cả ngàn lượt du khách đến tham quan mỗi năm.

Hiện nay, một trong 2 tổ máy đã từng sử dụng tại Ankroet đã được đưa ra Hà Nội để trưng bày tại Nhà truyền thống của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Một tổ máy khác được trưng bày tại khuôn viên của nhà máy để giới thiệu với du khách, đồng thời làm kỷ niệm.

Một số tổ máy hiện đang được sử dụng với mục đích trưng bày

Một số tổ máy hiện đang được sử dụng với mục đích trưng bày

Trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, Nhà máy Thủy điện Ankroet đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tích ấy là minh chứng cho tinh thần lao động sáng tạo không ngừng của tập thể cán bộ, công nhân viên nhà máy.

Nhà máy vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng: Huân Chương Lao động hạng Ba vào ngày 7/1/1995 cho những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất; Huân Chương Lao động hạng Nhì vào ngày 4/10/2001 cho những thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 1996 - 2000.

Khuôn viên thủy điện trở thành địa điểm tham quan thú vị dành cho nhiều du khách

Khuôn viên thủy điện trở thành địa điểm tham quan thú vị dành cho nhiều du khách

Ngoài ra, nhà máy còn được nhận nhiều bằng khen và giấy khen từ các bộ, ngành và địa phương. Năm 2004, Nhà máy Thủy điện Ankroet được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam.

>> Nhà máy nhiệt điện lớn nhất thế giới, tổng công suất gấp 4,5 lần Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 của Việt Nam

Nhà máy thủy điện 385 nghìn tỷ nằm ở độ cao 5.000m: Mất 12 năm để xây dựng, được trang bị một loại công nghệ cực thông minh

Thời tiết 2024 ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các nhà máy thủy điện trên cả nước?

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nha-may-thuy-dien-dau-tien-cua-viet-nam-do-phap-xay-dung-tung-mang-quy-mo-khung-nhat-dong-duong-nay-la-dia-chi-du-lich-khong-the-bo-lo-cach-da-lat-chi-15km-d124429.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam do Pháp xây dựng: Từng mang quy mô 'khủng' nhất Đông Dương, nay là địa chỉ du lịch không thể bỏ lỡ cách Đà Lạt chỉ 15km
POWERED BY ONECMS & INTECH