Nhà máy xi măng 5.000 tỷ bỏ hoang suốt 2 thập kỷ: Trở thành nơi đổ chất thải, nuôi nhốt bò
Dự án nhà máy có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng hiện đang trong tình trạng bỏ hoang suốt 18 năm nay, trở thành nơi đổ chất thải, nuôi nhốt bò.
Năm 2007, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Bình đã giao đất cho Công ty Cổ phần xi măng Phú Sơn để triển khai xây dựng Dự án nhà máy xi măng Phú Sơn.
Theo báo VnExpress, người đại diện của pháp luật của doanh nghiệp này là một người gốc Việt, hiện có quốc tịch Cộng hòa Séc.
Dự án nhà máy xi măng Phú Sơn có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng với công suất thiết kế lên đến 11 triệu tấn/năm.

Dự kiến, chủ đầu tư sẽ đưa nhà máy này vào hoạt động sau 33 tháng khởi công. Mặc dù vậy, sau khi được giao đất và cấp Giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp này mới hoàn thiện phần san lấp mặt bằng, sau đó cho xây dựng được một phần tường rào bao quanh cùng 3 khu nhà chức năng.
Chính quyền địa phương cho biết, hoạt động xây dựng tại nhà máy xi măng Phú Sơn có dấu hiệu cầm chừng từ năm 2009 và ngừng mọi hoạt động thi công từ cuối năm 2012 đến nay.

Theo ghi nhận trên báo Vietnamnet, cả một khu đất rộng hàng chục ha mới chỉ xây dựng thô được ngôi nhà điều hành 2 tầng, một dãy phòng xây thô và một khu nhà ở cho công nhân...
Khu đất hiện nay cây cối mọc um tùm, một góc nơi đổ chất thải, trạm trộn bê tông, khu nhà điều hành người dân được tận dụng nuôi nhốt bò.

Theo chia sẻ của người dân, khu vực xây dựng nhà máy xi măng trước đây là đất nông nghiệp của người dân 3 thôn bị thu hồi với khoảng 200 hộ dân bị ảnh hưởng.
Sau khi tiến hành nhường đất, con em của các hộ được công ty hỗ trợ đi học nghề xi măng, bảo vệ với lời hứa về làm việc trong nhà máy.
Đến ngày 11/9/2017, UBND tỉnh Ninh Bình đã đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Phú Sơn.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã giao Ban quản lý các KCN chủ trì, phối hợp với các Sở và ban ngành có liên quan đến việc triển khai thủ tục chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất...
Công ty Cổ phần xi măng Phú Sơn sau đó đã có văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Bình, các Sở, ban ngành nêu lý do khó khăn về mặt tài chính, dẫn đến sự đình trệ trong việc triển khai hoạt động xây dựng nhà máy trong thời gian dài.

Công ty cũng cam kết sẽ khởi động việc xây dựng nhà máy kể từ ngày 20/11/2017, nhưng đến nay sau 8 năm, dự án này vẫn "án binh bất động".
Đến năm 2022, Sở TN&MT Ninh Bình (nay là Sở NN&MT) đã quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với dự án này.
Nhưng sau nhiều lần Sở gửi văn bản mời người đại diện pháp luật của công ty đến dự nhưng không ai đến làm việc, không có lý do cũng không ủy quyền cho bất kỳ ai.
Tháng 12/2024, tại cuộc họp HĐND tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình nêu rõ việc không thể thu hồi được dự án là do đã có tài sản trên đất.
Hiện UBND tỉnh Ninh Bình đang gửi văn bản đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tham vấn cách xử lý dự án bỏ hoang này.
‘Đà Lạt thứ 2’ tồn tại la liệt biệt thự bỏ hoang: Lãng phí, làm xấu hình ảnh du lịch địa phương
Diện mạo mới của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 sau nhiều năm bỏ hoang