Nhà sáng lập của Đậu phộng Tân Tân bị truy tố, 'hành trình' dài ngoan cố không thi hành án
Bên cạnh đó, đối tượng còn bị truy tố về tội trốn thuế.
Ngày 20/6/2024, Cơ quan CSĐT Công an TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã công bố kết luận điều tra về vụ án “Không chấp hành án” và “Trốn thuế” tại Công ty Cổ phần Tân Tân. Ông Trần Quốc Tân, nhà sáng lập và nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty, đã bị cáo buộc không chấp hành bản án dân sự và trốn thuế.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Dĩ An, ông Trần Quốc Tân bị truy tố theo Điều 380 và Điều 200 của Bộ luật Hình sự về tội không chấp hành bản án và trốn thuế. Các cơ quan chức năng đã bắt tay vào cuộc điều tra chi tiết về các hoạt động tài chính và quản lý của công ty trong suốt nhiều năm.
Liên quan vụ án, ông Trần Quốc Tuấn (56 tuổi, em ruột ông Tân, thành viên HĐQT Công ty Tân Tân) bị cáo buộc tội Không chấp hành bản án.
Tranh chấp cổ phần kéo dài tại Tân Tân, công ty thua lỗ, ngừng hoạt động
Công ty Tân Tân từng chiếm lĩnh thị trường đậu phộng với hơn 140 nhà phân phối và 40.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc, đồng thời xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường lớn như Mỹ, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và nhiều nước khác. Công ty được thành lập tại phường Bình An, TP. Dĩ An, gồm 3 cổ đông góp vốn: Ông Tân sở hữu 6.400.000 cổ phần nắm 80%, vợ ông là Châu Thị Phụng và ông Tuấn mỗi người 10%.
Logo và những sản phẩm quen thuộc của Tân Tân |
>> Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Như Loan, liên quan dự án 39-39B Bến Vân Đồn
Năm 2011, ông Tân chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thanh (62 tuổi, ngụ TP. HCM) 3.666.666 cổ phần của cá nhân với giá 36,6 tỷ đồng (10.000 đồng/cổ phần). Công ty CP Tân Tân cũng cấp Giấy chứng nhận sở hữu 45,83% cổ phần cho bà Thanh, nhưng không ghi nhận vào sổ cổ đông, dẫn đến tranh chấp pháp lý kéo dài.
Bà Thanh đã khởi kiện yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và được tòa án chấp nhận.
Giữa năm 2012 và năm 2013, tòa án TP. Dĩ An và Bình Dương lần lượt xử sơ thẩm và phúc thẩm, chấp nhận yêu cầu của bà Thanh, công nhận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và cho phép bà Thanh được ghi tên vào sổ cổ đông.
Khi đã trở thành cổ đông, trong suốt thời gian dài, bà Thanh nhiều lần yêu cầu HĐQT triệu tập Đại hội cổ đông bất thường bầu lại HĐQT mới khi HĐQT cũ hết nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, tính đến 2014, công ty Tân Tân phải thi hành 31 bản án với số tiền 19,5 tỷ đồng và các khoản nợ khác với tổng dư nợ khoảng 300 tỷ đồng, lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Vì vậy, bà Thanh yêu cầu phía Tân Tân phải cung cấp báo cáo tài chính, yêu cầu kiểm toán bắt buộc để xác định rõ tình trạng thua lỗ và trách nhiệm của HĐQT cũ dẫn đến Công ty thua lỗ.
Tới ngày 14/6/2019, bà Thanh tiếp tục gửi đơn yêu cầu tới Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương, buộc các thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Tân Tân thi hành. Tuy nhiên, ông Tân và 2 thành viên còn lại "không thi hành bản án mặc dù có điều kiện để thi hành án". Do đó, tháng 9/2020, cơ quan này tiếp tục ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành án đối với ông Tân, Tuấn và bà Phụng, nhưng cả 3 người này vẫn không thi hành.
Ngày 9/4/2021, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương có công văn kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố ông Tân, ông Tuấn và bà Phụng về hành vi Không chấp hành án.
Ngày 28/5/2022, đại diện theo ủy quyền của bà Thanh tiến hành triệu tập Đại hội đồng cổ đông để bầu thành viên HĐQT mới, nhưng cả 3 đối tượng trên đều vắng mặt và yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết Đại hội.
Đầu năm 2024, bà Thanh đã triệu tập được cuộc họp Đại hội cổ đông bầu HĐQT mới của Tân Tân, công bố Nghị quyết của năm 2022 về việc bãi nhiệm ông Tân và bầu ông Lê Hồng Phương làm Chủ tịch HĐQT. Ngày 11/1/2024, Công ty Tân Tân được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, ông Tân và ban lãnh đạo cũ vẫn từ chối bàn giao tài liệu và trụ sở chính của công ty cho ban điều hành mới.
Báo cáo HĐQT cho biết, công ty đang nợ thuế tính đến ngày 31/1/2024 là gần 62 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội tính đến tháng 3/2024 là 6,2 tỷ đồng. Công ty còn nợ các chủ nợ theo hơn 50 bản án đã có hiệu lực pháp luật chưa được giải quyết, trong đó công ty đã bị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam khởi kiện, thu giữ mất 2/5 tài sản và bị Vietcombank khởi kiện để thu giữ phần tài sản còn lại.
Đồng thời, bà Thanh cũng tố cáo ông Tân về hành vi trốn thuế. Theo điều tra, CTCP Tân Tân kinh doanh thua lỗ nên ngưng hoạt động từ năm 2013. Từ năm 2015 đến 2022, ông Tân cho Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất - Trồng trọt Tân Tân (hay Tân Tân 2, do ông Trần Quốc Gia Phước con trai ông Tân là người đại diện) thuê nhà xưởng với giá thuê là 100 triệu đồng một tháng. Tính đến tháng 11/2022, Công ty CP Tân Tân thu được tổng số tiền 8,6 tỷ đồng mà không xuất hóa đơn và báo cáo thuế, gây thất thoát gần 1,5 tỷ đồng tiền thuế.
Công an TP Dĩ An xác định, vợ chồng ông Tân và em trai có đủ điều kiện để thực hiện bản án, nhưng nếu thực hiện sẽ phải bầu lại thành viên HĐQT. Khi đó, bà Thanh chiếm giữ 45,83% cổ phần sẽ là người lãnh đạo doanh nghiệp chứ không phải là ông Tân nên cố tình chống đối. Trong đó, ông Tuấn đã tham gia vào việc điều hành công ty nên cũng có trách nhiệm thực hiện bản án, còn bà Phụng thì sở hữu cổ phần nhưng không tham gia điều hành đồng thời cũng đã chuyển nhượng cổ phần nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
>> Bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt, Cường Đô la có vai trò gì ở Quốc Cường Gia Lai?