Chứng khoán BSC cho rằng, dù trải qua một phiên điều chỉnh khá mạnh song VN-Index vẫn đóng cửa trên đường MA20; chỉ số có lẽ sẽ tích lũy quanh ngưỡng 1.500 trong những phiên tới.
Tổng quan phiên 13/1:
Phiên giao dịch chiều 13/1/2022 diễn ra với áp lực bán tăng mạnh, đặc biệt tại các cổ phiếu "nóng" như bất động sản, xây dựng. Hàng loạt cổ phiếu như CEO, CII, DIG, DXG, FCN, HBC, HQC, NBB, LDG, SCR, VPH, PHC,… đều giảm sàn.
Nhóm FLC cũng tiếp tục giảm sàn và mất thanh khoản với dư bán sàn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán cũng có giao dịch kém tích cực với nhiều mã giảm sâu như VND, VCI, AGR, CTS, HCM, MBS, SHS, SSI, VND,…
Tương tự, các cổ phiếu dầu khí GAS, PVB, PVC, PVD, PVS, PVT, BSR, POW,… cũng đồng loạt giảm sâu trong phiên chiều.
Ở hướng ngược lại, nhóm ngân hàng là điểm sáng trong phiên hôm nay khi thu hút dòng tiền khá tốt. Dù cũng chịu áp lực điều chỉnh chung từ thị trường nhưng hầu hết đều giữ được sắc xanh tăng điểm như ACB, BID, CTG, MBB, VCB, KLB, TCB, LPB, SHB,… trong đó BID là cái tên nổi bật nhất khi tăng 4,4% lên 44.000 đồng và là mã có tác động tích cực nhất tới thị trường.
Số mã giảm trên cả 3 sàn lên tới 756 mã trong đó có 143 mã giảm sàn - áp đảo hoàn toàn so với con số 333 mã tăng điểm.
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 14,46 điểm (-0,96%) xuống 1.496,05 điểm; toàn sàn có 146 mã tăng, 327 mã giảm và 38 mã đứng giá. HNX-Index giảm 12,81 điểm (-2,7%) xuống 460,83 điểm; toàn sàn có 65 mã tăng, 201 mã giảm và 22 mã đứng giá. UpCOM-Index giảm 1,52 điểm (-1,33%) xuống 112,67 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên hôm qua với tổng giá trị khớp lệnh đạt 33.636 tỷ đồng - giảm 18% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 15% và đạt 29.515 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng trở lại khoảng 110 tỷ đồng ở sàn HOSE.
Nhận định phiên 14/1:
CTCK Yuanta Việt Nam: Có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật?
Áp lực bán quay lại trong phiên chiều 13/1 khiến các chỉ số đảo chiều giảm trở lại. Điểm sáng trong phiên là nhóm ngân hàng tiếp tục giữ nhịp tăng. Tuy nhiên, phần còn lại của thị trường ghi nhận lực bán khá mạnh trong đó nhóm bất động sản diễn biến khá tiêu cực.
Yuanta cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1.490 – 1.500 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp đồng thời thị trường đang bước vào giai đoạn tích lũy, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật trong 1 - 2 phiên tới. Điểm tích cực là rủi ro của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng và thép có chiều hướng giảm dần cho nên dòng tiền có thể sẽ phân hóa và có xu hướng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
CTCK MB (MBS): Nhóm cổ phiếu bluechips sẽ dẫn dắt thị trường?
Sau nhịp tăng khá mạnh đầu phiên 13/1, áp lực bán gia tăng mạnh đã khiến thị trường quay đầu điều chỉnh dù nhóm cổ phiếu trụ cột như bank, thép duy trì sự tích cực. Tín hiệu tích cực phiên 13/1 là dòng tiền vẫn mạnh mẽ ở các mã ngân hàng, độ rộng của rổ VN30 cũng ở mức trung tính.
Về kỹ thuật, vùng hỗ trợ mạnh ngắn hạn đối với chỉ số tại vùng 1.456 - 1.475 điểm.
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Tích luỹ và kiểm tra quanh ngưỡng 1.500 điểm
Tuy trải qua một phiên điều chỉnh khá mạnh nhưng VN-Index vẫn đóng cửa trên đường MA20, chỉ số có lẽ sẽ tích luỹ và kiểm tra quanh ngưỡng 1.500 trong những phiên tới.