Trong phiên 14/1/2022, độ rộng thị trường phản ánh áp lực bán diễn ra trên diện rộng trong đó nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn bị chốt lời mạnh.
Tổng quan phiên 14/1:
Đúng như kịch bản đã được một số công ty chứng khoán dự báo, phiên 14/1/2022 là phiên hồi kỹ thuật của nhóm cổ phiếu bất động sản trong bối cảnh dòng ngân hàng tạm nghỉ ngơi sau một tuần chống đỡ thị trường. Tuy nhiên không phải mã nào cũng giữ được sắc xanh đến cuối phiên giao dịch.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán tuần này đã chứng kiến sự ảm đạm của nhiều mã cổ phiếu đầu cơ, đặc biệt là nhóm bất động sản midcap và penny. Tuy nhiên, phiên cuối tuần cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực hơn từ đó để ngỏ kỳ vọng vào 2 tuần giao dịch cuối cùng của năm.
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm rất nhẹ. Trong khi đó, HNX-Index tăng mạnh 6 điểm lên mức 466,86 điểm.
Thị trường chứng khoán phiên 14/1/2022 xuất hiện khá nhiều sắc màu đan xen. Nhiều cổ phiếu sàn HOSE vẫn trắng bên mua cuối giờ giao dịch như ROS, FLC, AMD, HAI, CII, QCG, NBB...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng bị mất dần sức lực trong nỗ lực chống đỡ thị trường.
Chốt phiên, ngoài STB, VCB, SHB đạt mức tăng 1 - 2%, các cổ phiếu ngân hàng khác tăng nhẹ hoặc đa phần giảm điểm.
Trong phiên này, điều tích cực là việc nhiều cổ phiếu đã thành công trong việc giải tỏa trạng thái trắng bên mua. Chốt phiên, GEX thậm chí tăng mạnh 3,3%. Những nhà đầu tư mua đúng đáy đã tạm lãi 10%. HNG, HQC, ITA,... không còn chìm trong sắc xám.
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,03 điểm xuống 1.496,02 điểm; toàn sàn có 174 mã tăng, 285 mã giảm và 54 mã đứng giá. HNX-Index tăng 6,03 điểm (1,31%) lên 466,86 điểm; toàn sàn có 122 mã tăng, 126 mã giảm và 42 mã đứng giá. UpCOM-Index giảm 0,45 điểm (-0,4%) xuống 112,22 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 25.031 tỷ đồng - giảm 25,6% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 29% và đạt 20.954 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng đột biến khoảng 770 tỷ đồng ở sàn HOSE.
Nhận định phiên 17/1:
CTCK MB (MBS): Đường MA 50 sẽ là hỗ trợ quan trọng
Trong phiên 14/1, thị trường dần ổn định hơn sau những phiên biến động mạnh liên tiếp trong đó nhóm bất động sản là tâm điểm khi nhiều mã đã thoát được giá sàn, thậm chí hồi phục tích cực.
Tuy vậy, độ rộng thị trường phản ánh áp lực bán diễn ra trên diện rộng trong đó nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn bị chốt lời mạnh.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index test thành công ngưỡng hỗ trợ mạnh tại đường MA 50 ngày và trendline tăng dài hạn (tương đương vùng 1.470 - 1.480 điểm). Đây vẫn sẽ là hỗ trợ quan trọng nếu trạng thái điều chỉnh tiếp tục xuất hiện.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Cân bằng lại tỷ trọng danh mục
Những phản ứng tích cực quanh vùng hỗ trợ gần 1.485 điểm cùng với sự tiết giảm của bên bán đã giúp chỉ số lấy lại trạng thái cân bằng hơn.
Chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến đi ngang tích luỹ với biên độ thắt chặt dần trong những phiên tới trước khi xu hướng trở nên rõ ràng hơn.
Trong nhịp đi ngang này, nhà đầu tư được khuyến nghị cân bằng lại tỷ trọng danh mục, chỉ mua đối với các mã cổ phiếu mục tiêu về lại vùng hỗ trợ mạnh.
CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI): Kiên nhẫn chờ đợi thêm tín hiệu tích cực rõ ràng hơn
Chúng tôi duy trì sự thận trọng trong giai đoạn này và hạn chế việc tăng thêm tỷ trọng, đặc biệt ở những mã cổ phiếu có trong danh mục mà đang thua lỗ. Cần kiên nhẫn chờ đợi thêm tín hiệu tích cực rõ ràng hơn trước khi gia tăng thêm.