Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tức tốc đàm phán với Mỹ để bảo vệ sinh viên đang học ở Harvard
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ban hành lệnh cấm Đại học Harvard tiếp nhận sinh viên quốc tế. Động thái bất ngờ đó khiến tương lai của 87 sinh viên Indonesia đang theo học tại ngôi trường danh tiếng này trở nên bấp bênh, đồng thời làm dấy lên lo ngại rộng rãi về chính sách nhập cư và giáo dục dưới thời chính quyền của ông Trump.
Chính phủ Indonesia hôm thứ Ba (27/5) cho biết họ đã trao đổi với chính phủ Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm Đại học Harvard nhận sinh viên nước ngoài, khiến nhiều thanh niên đến từ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuần trước, chính quyền của ông Trump đã thu hồi quyền tiếp nhận sinh viên quốc tế của trường đại học thuộc Ivy League, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia và chủ nghĩa cực đoan về mặt tư tưởng.
Ivy League là một nhóm gồm 8 trường đại học danh tiếng hàng đầu của nước Mỹ, nổi tiếng với chất lượng đào tạo xuất sắc, quy trình tuyển sinh khắt khe, mạng lưới cựu sinh viên quyền lực, truyền thống lâu đời, đóng góp lớn trong nghiên cứu khoa học và học thuật. Nhóm này gồm: Đại học Harvard (Massachusetts), Đại học Yale (Connecticut), Đại học Princeton (New Jersey), Đại học Columbia (New York), Đại học Pennsylvania (Pennsylvania), Đại học Brown (Rhode Island), Cao đẳng Dartmouth (New Hampshire) và Đại học Cornell (New York).
Về phần mình, sau khi biết lệnh cấm từ ông Trump, ngay lập tức, Đại học Harvard đã kiện Chính phủ liên bang ra tòa. Không lâu sau đó, một Thẩm phán liên bang đã ra phán quyết tạm thời chặn Chính phủ Mỹ thực hiện các thay đổi như vậy.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Rolliansyah “Roy” Soemirat cho biết Chính phủ Indonesia hoàn toàn nhận thức được tình hình đang diễn ra và sẽ theo dõi sát các diễn biến liên quan đến chính sách nhập cư của ông Trump, cũng như lệnh cấm tuyển sinh quốc tế tại Đại học Harvard.
“Chính sách này đã tạo ra sự bất định đối với tương lai của sinh viên nước ngoài tại Harvard, trong đó có 87 sinh viên Indonesia”, ông Roy phát biểu trước báo chí.
“Chính phủ Indonesia cũng đã bày tỏ mối quan ngại của mình với Chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề này. Chúng tôi hy vọng sẽ có một giải pháp phù hợp để các sinh viên Indonesia tại Harvard không bị thiệt thòi”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao “xứ sở vạn đảo” nói thêm.
Nhà ngoại giao cấp cao này còn cho biết, các sinh viên Indonesia tại Hoa Kỳ đã có những đóng góp lớn cho nền giáo dục và sự phát triển công nghệ của Mỹ.
Harvard cho biết sinh viên quốc tế chiếm 27,2% tổng số sinh viên nhập học trong năm học 2024 - 2025, tương đương khoảng 6.793 sinh viên quốc tế. Ngôi trường danh tiếng 388 năm tuổi này đang trong cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng với chính quyền của ông Trump, khi Chính phủ tìm cách gây áp lực buộc một trong những cơ sở giáo dục lâu đời nhất của nước Mỹ phải tuân thủ theo chương trình nghị sự của “ông chủ Nhà Trắng”.
Theo Jakarta Globe