Nhập khẩu dầu Nga cao kỷ lục, Trung Quốc đang toan tính điều gì?
Lượng dầu Nga chảy vào Trung Quốc ở mức cao kỷ lục trong tháng 6, bất chấp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi chậm chạp.
Nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu sang các nước châu Á. Trong đó, Ấn Độ cùng với Trung Quốc đã nổi lên thành 2 nước nhập khẩu chính dầu khô của Moscow.
Trung Quốc mua dầu Nga kỷ lục
Riêng lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu từ Nga vào tháng 6 đạt 2,57 triệu thùng dầu mỗi ngày, phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào tháng 5, theo Financial Times.
Tính chung trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc mua trung bình 2,13 triệu thùng dầu/ngày từ Nga, cao hơn 1,88 triệu thùng/ngày từ Saudi Arabia, đưa Nga trở thành nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho Bắc Kinh.
Lượng dầu Nga chảy vào Trung Quốc tăng kỷ lục trong nửa đầu năm 2023 |
Theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc, hàng nhập khẩu của Nga rẻ hơn so với hàng nhập khẩu từ các quốc gia OPEC+ khác kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi đầu năm ngoái.
Cụ thể, so với giá dầu của Arab Saudi, dầu thô của Nga rẻ hơn 9 USD/thùng vào cuối năm 2022 và 11 USD/thùng vào tháng 6/2023.
Dường như các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu Nga đang định hình lại thị trường dầu mỏ toàn cầu, trong đó Trung Quốc nhận được lợi ích kép: mua được dầu thô giá rẻ và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ.
Toan tính của Trung Quốc
“Câu trả lời ngắn gọn là dự trữ dầu thô đang tăng lên ở Trung Quốc. Nước này đang chuẩn bị cho đà phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2023”, theo Mukesh Sahdev, người đứng đầu bộ phận kinh doanh dầu của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy.
Ngoài ra, các nhà phân tích cũng cho rằng việc Bắc Kinh tăng cường tích trữ dầu bao gồm rủi ro địa chính trị.
“Trung Quốc có thể đang chuẩn bị cho một số tình huống địa chính trị, chẳng hạn, một biến động bất ổn ở Nga hoặc một cuộc khủng hoảng ở Đài Loan”, Sahdev nói thêm.
Trong khi đó, ông Michal Meidan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nhận định đây chỉ là một động thái xa rời ngắn hạn đối với dầu thô của Saudi Arabia. Bắc Kinh có xu hướng cân bằng các nguồn cung, thay vì phụ thuộc vào chỉ một quốc quốc gia.
Các nhà phân tích của Công ty dữ liệu thị trường Kpler chỉ ra rằng, các công ty lọc dầu Trung Quốc có động lực mạnh mẽ để tăng cường sản xuất, nhờ biên lợi nhuận chế biến dầu của họ cao hơn tới 3 USD/thùng so với các đối thủ châu Á.
Kpler dự báo lợi thế sử dụng dầu giá rẻ của Nga sẽ cho phép các công ty lọc dầu của Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường, gây áp lực lên các nhà sản xuất nhiên liệu khác ở châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản.