Thế giới

Nhật Bản đối mặt với khủng hoảng chính trị nghiêm trọng

Tùng Lâm 29/10/2024 09:20

Vị thế của liên minh đảng cầm quyền Nhật Bản đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do những thách thức mà quốc gia này phải đối mặt cũng như sự bất mãn của người dân đối với các chính sách hiện tại.

Nhật Bản đang đối mặt tình trạng bất ổn chính trị sau khi liên minh cầm quyền do Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đứng đầu lần đầu tiên đánh mất thế đa số tại quốc hội sau 15 năm. Kết quả này phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của người dân với chính phủ, trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm và chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang.

Người dân ngày càng không tin tưởng chính phủ Nhật Bản. Ảnh: Kiyoshi Ota
Người dân ngày càng không tin tưởng chính phủ Nhật Bản. Ảnh: Kiyoshi Ota

Thất bại trong cuộc bầu cử đã buộc Thủ tướng Shigeru Ishiba phải cân nhắc đến việc từ chức, chỉ vài tuần sau khi ông lên nắm quyền. Kết quả bầu cử không chỉ làm suy yếu vị thế của LDP mà còn gây khó khăn cho việc điều hành của liên minh. Đồng yên giảm gần 1% so với USD vào thứ Hai khi ngày càng nhiều lo ngại về việc bất ổn chính trị có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định quan trọng như tăng lãi suất trong thời gian tới.

Liên minh giữa LDP và Komeito đã không đạt được 233 ghế cần thiết để kiểm soát Kiểm soát Hạ viện. Ngược lại, Đảng Dân chủ Lập hiến (CDP) được dẫn dắt bởi cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda, đã có bước tiến lớn với 148 ghế, tăng mạnh từ 98 ghế trước đó.

Sau kết quả này, Thủ tướng Ishiba phát biểu trên đài NHK: "Cử tri đã đưa ra quyết định nghiêm khắc và chúng tôi buộc phải chấp nhận thực tế này." Tuy nhiên, ông phủ nhận những thông tin về việc từ chức và cho biết cần thêm thời gian để đánh giá tình hình.

Dù chỉ số Nikkei 225 tăng 1,7% vào thứ Hai, các nhà chiến lược cảnh báo bất ổn chính trị sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán trong dài hạn.

Masatoshi Kikuchi, nhà kinh tế tại Mizuho Securities, đã nhận định: "Việc liên minh gặp khó trong khi tìm đối tác mới sẽ ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các chính sách cải cách, do đó thị trường cần phải cẩn thận hơn trong những tuần tới".

Ông Ishiba và đảng LDP sẽ phải mất thời gian dài để tìm kiếm đồng minh nhằm thành lập chính phủ. Các nhà phân tích cho biết LDP có thể buộc phải thỏa hiệp với một số đảng nhỏ theo chủ nghĩa dân túy vốn có những khác biệt trong quan điểm về chính sách.

Nhiều nhà quan sát cho biết thất bại này gần như chắc chắn sẽ khiến Thủ tướng Ishiba rơi vào tình thế buộc phải từ chức, chỉ sau vài tuần nắm quyền. Rất có thể ông sẽ trở thành nhà lãnh đạo tại vị ngắn nhất của Nhật Bản trong kỷ nguyên hiện đại.

Jesper Koll, một nhà kinh tế học và nhà nghiên cứu Nhật Bản, cảnh báo kết quả này sẽ làm gia tăng sự bất ổn chính trị tại quốc gia Đông Á này, khiến tiến trình cải cách gần như không thể thực hiện được.

“Một trong những yếu tố giúp Nhật Bản trở nên hấp dẫn giới đầu tư là sự ổn định chính trị. Nhưng kết quả bầu cử lần này đã khiến tình hình trở nên khó đoán hơn" – ông cho biết.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 53,8%, một trong những mức độ thấp nhất trong lịch sử, phản ánh sự thất vọng của người dân, đặc biệt là giới trẻ, đối với Chính phủ Nhật Bản. Nhiều người cảm thấy hệ thống chính trị hiện tại không đảm bảo được quyền và lợi ích của họ cũng như không đủ khả năng đưa ra các chính sách hiệu quả.

Kimihiro Okuma, một cử tri 79 tuổi và từng ủng hộ LDP trong nhiều năm, đã quyết định chuyển sang ủng hộ các bên khác. "Trong nhiều thập kỉ, LDP đã mang lại sự ổn định cho đất nước, nhưng giờ mọi thứ đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Họ không chịu thay đổi, và điều này sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng" - ông cho biết.

>> Thủ tướng Nhật Bản nhận kết quả tồi tệ sau bầu cử

Thủ tướng Nhật Bản đối mặt với kịch bản tồi tệ

Ông lớn công nghệ Nhật Bản 60 năm tuổi phá sản vì hàng giá rẻ từ Trung Quốc

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/nhat-ban-doi-mat-voi-khung-hoang-chinh-tri-nghiem-trong.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhật Bản đối mặt với khủng hoảng chính trị nghiêm trọng
    POWERED BY ONECMS & INTECH