'Nhếch nhác' từ những gian hàng hội chợ xung quanh Hồ Gươm
Hãy để người dân xứng đáng được hưởng những giá trị thật, những giá trị văn hóa cốt lõi từ không gian phố đi bộ Hồ Gươm đẹp, linh thiêng chứ không phải không gian như những phiên chợ "nhếch nhác" làm xấu đi hình ảnh Hồ Gươm trong mắt người dân, du khách trong và ngoài nước.
Chương trình Ngày hội Sản phẩm Quảng Nam diễn ra tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội từ ngày 13-15/10 đã thu hút nhiều người dân, du khách tới tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, xung quanh khu vực hội chợ có nhiều gian hàng bày bán không quy củ, “nhếch nhác” và thiếu thẩm mĩ, trà trộn các sản phẩm không rõ nguồn gốc ở giữa không gian phố đi bộ vốn mang nhiều giá trị văn hóa lịch sử của Thủ đô.
Chương trình diễn ra nhằm kết nối giao thương giữa các chủ thể OCOP tỉnh Quảng Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu tại thành phố Hà Nội. Ngày hội được tổ chức tại phố đi bộ Hoàn Kiếm cùng thời điểm diễn ra Giải marathon Quốc tế. Điều này dẫn đến lượng người kéo về khu vực khá đông đúc và cũng kèm theo nhiều "hình ảnh không đẹp mắt" khi các gian hàng được bài trí, bày bán thiếu tính thẩm mĩ và rác thải xả luôn ngay tại gian hàng, tất cả tạo thành một không gian lộn xộn, thiếu "chuyên nghiệp".
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Toàn (Times City, quận Hai Bà Trưng) cho biết: Cuối tuần tôi thường đưa các cháu lên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm chơi, vừa để các cháu có không gian vui chơi, vừa thưởng thức tiết trời mùa thu đặc trưng có Hà Nội. Tuy nhiên, gần đây tôi thấy rằng, không gian phố đi bộ đang bị lạm dụng quá mức bởi những hội chợ mang tính quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu dùng...
Theo anh Toàn, việc tổ chức các Hội chợ tại một không gian văn hóa như Hồ Gươm, mặc dù có thể thu hút đông người dân và du khách đến tham quan, mua sắm song việc bày bán và bài trí các sản phẩm trà trộn, không rõ nguồn gốc, không đặc trưng cho địa phương tại gian hàng ở không gian văn hóa lịch sử như thế này thật sự không phù hợp, làm mất đi mỹ quan, vẻ đẹp vốn có của Hồ Gươm. Chưa kể, nhiều gian hàng sắp xếp chưa hợp lý, nhếch nhác, có những sản phẩm, thực phẩm kém chất lượng...
"Người dân như chúng tôi hy vọng Thành phố và quận Hoàn Kiếm sớm có những điều chỉnh phù hợp, làm sao để phát huy giá trị không gian phố đi bộ một cách hiệu quả, có bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến...", anh Toàn bảy tỏ mong muốn.
Ghi nhận thêm ý kiến của người dân, chị N.T. Lan (quận Đống Đa) cho biết, không gian phố đi bộ Hồ Gươm là nơi chị và gia đình thường xuyên đến vào những dịp cuối tuần và đây cũng là địa điểm chị dành thời gian để tập thể dục hằng ngày nâng cao sức khỏe. Nhưng chị Lan cho rằng việc bài trí các gian hàng như thế này không phù hợp; rau củ, quả, quần áo được bày bán tràn lan như ngoài chợ.
Theo chị N.T.Lan đây là thứ mọi nơi đều có, không hẳn là đặc sản nổi bật. Nhất là khi ở giữa không gian phố đi bộ cổ kính, mang đậm tính văn hóa và linh thiêng của Hồ Hoàn Kiếm, việc bày bán như vậy rất gây mất thiện cảm.
Anh Đoàn Văn Phú, Sinh viên Đại học Ngân hàng cho biết, hằng tuần anh vẫn lên đây đi chơi, nhưng lần này anh ngạc nhiên khi thấy hội chợ "nhếch nhác" tổ chức ở ngay không gian đi bộ Hồ Gươm.
"Theo tôi, có thể trưng bày ẩm thực hay hàng hóa nhưng cần chọn lọc và cần phù hợp văn hóa, cảnh quan cho phố đi bộ cũng như khu vực Trung tâm phố đi bộ Hồ Gươm-trái tim của cả nước", anh Đoàn Văn Phú nói.
Một chủ gian hàng ở Hội chợ chia sẻ, họ chỉ cần bỏ ra 2 triệu đồng cho Ban Tổ chức là có thể đưa hàng của mình bày bán tại đây. Ở đây, phần lớn là thuê lại mặt bằng và kinh doanh nhượng quyền, không phải 100% là các chủ thể OCOP từ Quảng Nam.
Hãy để Hồ Gươm luôn đẹp như vẻ đẹp vốn có
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Hữu Việt, Trưởng Ban Văn hóa văn nghệ (Báo Nhân dân) cho biết, tôi rất ủng hộ việc TP. Hà Nội tạo nên một không gian phố đi bộ trên Hồ Hoàn Kiếm. Người Hà Nội không có nhiều không gian công cộng và không gian công cộng như Hồ Hoàn Kiếm đã trở thành địa điểm tham quan, giao lưu, nghỉ ngơi… rất lý tưởng cho chính người dân Thủ đô và các du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Đó là điều rất đáng ghi nhận mà TP. Hà Nội đã làm được cho người dân.
"Tuy nhiên, không gian đó cũng cần phải giữ được những giá trị văn hóa lịch sử của Hồ Gươm trong mắt quan sát của mọi người và trong trái tim của họ nữa, như một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, việc đưa những gian hàng trưng bày, dịch vụ đời sống đặt trong không gian phố đi bộ phải rất thận trọng để làm sao phù hợp với không gian văn hóa của Hồ Gươm", ông Trần Hữu Việt nói.
Theo quan sát của ông Trần Hữu Việt (một người làm việc rất lâu năm gần Hồ Gươm), trong không gian phố đi bộ có rất nhiều những dòng âm nhạc náo nhiệt, ồn ào, không có sự sắp đặt quy củ nào từ nhà tổ chức mà hoàn toàn tự phát từ các hoạt động do người dân mang đến phố đi bộ. Điều đó ảnh hưởng đến những người vẫn làm việc vào cuối tuần hay những người dân sống xung quanh Hồ Gươm. Đây là một vấn đề khá bất cập.
Bất cập thứ hai là trong thời gian khoảng 1 tháng trở lại đây, cứ từ thứ 6, thậm chí từ thứ 5 hằng tuần tại xung quanh Hồ Gươm có rất nhiều chương trình hội chợ, các khung sắt, thép để dựng gian hàng, vải bạt bao kín đường đi bộ của người dân. Nên người dân chỉ còn không gian đi bộ của sát ven hồ.
Điều đáng nói, theo ông Trần Hữu Việt bên cạnh một số chương trình tổ chức như Lễ Hội Áo dài hay Lễ hội Sách, thì gần đây bày bán rất nhiều các mặt hàng "cực kỳ phong phú" từ thực phẩm nem chua, bánh tráng, giò chả, nhiều hàng giò chả còn để bếp gas rán ngay tại chỗ. Hay những mặt hàng quần áo có giá trị rất thấp khoảng mấy chục nghìn, được treo lòe loẹt, sặc sỡ xung quanh khu vực cạnh Hồ Gươm rất mất thẩm mĩ. Những gian hàng này có thể diễn ra tại các chợ đêm, những khu phố khác, còn diễn ra tại Hồ Gươm thì không có tính thẩm mĩ và văn hóa.
Đặc biệt, với những người tàn tật phải đi xe lăn, họ không còn chỗ để đi lại di chuyển trên vỉa hè mà phải xuống lòng đường, trong khi lòng đường mọi người chơi xe địa hình, xe điện, các trò chơi khác…
"Một không gian như Hồ Gươm thời gian qua đã được khai thác rất tốt, dành lợi thế và ưu việt của Hồ Gươm để ưu tiên cho người dân là rất đúng. Nhưng những nhà quản lý cần phải có một tầm nhìn và cách tiếp cận về mặt văn hóa để làm sao không gian đi bộ Hồ Gươm càng ngày càng đẹp và quyến rũ, thu hút người dân đến chứ không phải là sự gây phiền hà cho những người sống xung quanh khu vực Hồ Gươm; tạo nên những ấn tượng xấu và phản cảm với du khách.", ông Việt chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Trần Hữu Việt, rất mong chính quyền địa phương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có những giải pháp để tìm ra cách "tiếp cận" Hồ Gươm đúng nghĩa, để người dân xứng đáng được hưởng những giá trị thật từ không gian phố đi bộ Hồ Gươm đẹp, linh thiêng và ấn tượng khi được để nguyên vẹn như vốn có, vậy đã là đẹp nhất mà không cần phải "tô vẽ" thêm những màu mè, phản cảm. Nếu định thêm gì đó cho Hồ Gươm thì cũng cần phải xem xét và thận trọng đến không gian văn hóa của Hồ Gươm, để Hồ Gươm và chính Thủ đô sẽ ngày càng đẹp hơn.