Chứng khoán

Nhiều doanh nghiệp lớn đối diện nguy cơ bị thu hồi tiền bán điện

Hải Băng 27/12/2024 11:04

Bộ Công Thương đề nghị thu hồi thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện đối với các khoản giá FIT đã hưởng không đúng quy định tại nhiều dự án năng lượng tái tạo.

Kế hoạch tháo gỡ vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo

Bộ Công Thương vừa báo cáo Chính phủ về kế hoạch tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Theo nội dung, đối với các dự án vướng thủ tục đất đai, UBND cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm hoàn thiện theo quy định. Với dự án liên quan đến khu vực dự trữ khoáng sản, thủy lợi, đất rừng, tỉnh sẽ phối hợp đánh giá, giải quyết và báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền. Các công trình chưa nghiệm thu xây dựng cũng được phép hoàn thiện thủ tục theo quy định.

Về bổ sung quy hoạch, Thanh tra Chính phủ cho biết Bộ Công Thương đã phê duyệt 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.837 MW mà không có căn cứ pháp lý rõ ràng. Bộ kiến nghị Thủ tướng ban hành văn bản hoặc quyết định cập nhật danh mục các dự án điện mặt trời trong cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII, đồng thời loại bỏ các dự án vi phạm an ninh quốc phòng, quy hoạch trọng điểm quốc gia và cập nhật các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội.

Đối với các dự án không đủ điều kiện hưởng giá FIT (giá ưu đãi), Bộ Công Thương yêu cầu xác định lại giá mua bán điện theo quy định. Các khoản giá FIT đã hưởng không đúng sẽ được thu hồi thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện, nhằm tối ưu lợi ích kinh tế - xã hội, hạn chế tranh chấp và bảo đảm môi trường đầu tư.

EVN được giao chủ trì phối hợp với các chủ đầu tư để xác định điều kiện hưởng giá FIT. Đối với các dự án không đủ điều kiện, EVN sẽ báo cáo cơ quan thẩm quyền để làm cơ sở bù trừ thanh toán.

Ngoài ra, với các dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất EVN rà soát và lập danh sách báo cáo UBND cấp tỉnh để xác định mục đích sử dụng đất. Dự án vi phạm về đất sẽ không được hưởng giá FIT mà phải xác định lại giá mua bán điện.

Nhiều doanh nghiệp lớn đối diện nguy cơ bị thu hồi tiền bán điện
Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp đối diện nguy cơ bị thu hồi tiền bán điện

Trong danh sách 154 dự án năng lượng tái tạo vào quy hoạch không có căn cứ, cơ sở pháp lý, đa số đã đi vào vận hành. Phương án các khoản giá FIT đã hưởng không đúng sẽ được thu hồi thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện khiến nhiều "ông lớn" phải hoàn lại số tiền đã hưởng sai.

Đứng sau 154 dự án có sự hiện diện của các chủ đầu tư như: Tập đoàn Thành Thành Công; Tập đoàn Hà Đô; CTCP Năng lượng tái tạo BIM… Thậm chí có những dự án đã được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài, gây lùm xùm trước đây như dự án nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh của Tập đoàn Hưng Hải đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn Super Energy của Thái Lan.

Trao đổi với Báo Tuổi trẻ, một số nhà đầu tư điện mặt trời cho rằng nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, với cơ chế tháo gỡ yêu cầu các đơn vị đã đi vào vận hành nhưng không đáp ứng đủ điều kiện bị thu hồi giá FIT có thể sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, phương án tài chính và mang lại nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, nhà cung cấp vốn.

Một số dự án năng lượng tái tạo vào quy hoạch không có căn cứ, cơ sở pháp lý được nêu dưới đây.

Tỉnh Long An có 8 dự án đã vận hành, bao gồm các dự án điện mặt trời: Gaia; BCG - Băng Dương; TTC - Đức Huệ 1; Solar Park 1, 2, 3, 4 và Europlast Long An.

Tỉnh Bình Thuận có 15 dự án, bao gồm các dự án điện mặt trời: Phong Phú; Hồng Phong 5.2; Hàm Kiệm 1; Hồng Phong 4; Mũi Né; Hàm Kiệm; Hồng Phong 1A, 1B; và Hồng Liêm 3. Các dự án điện gió gồm: Hồng Phong 1; Đại Phong; Phú Lạc giai đoạn 2; Phong Điện 1 - Bình Thuận giai đoạn 2; Thái Hòa. Riêng dự án Hòa Thắng 1.2 chưa đi vào vận hành.

Tỉnh Bình Phước có 6 dự án điện mặt trời gồm: Lộc Ninh 1, 2, 3, 4, 5 và Thác Mơ.

Tỉnh Đắk Lắk có 16 dự án, bao gồm các dự án điện mặt trời: Xuân Thiện - Ea Sup 1, 2, 3, 4, 5; Long Thành 1; BMT; Srêpốk 1; Quang Minh và Jang Pông. Các dự án điện gió gồm: Ea Nam; Krông Búk 1, 2; Cư Bé 1, 2; và Trang trại Phong điện Tây Nguyên giai đoạn 1.

Tỉnh Đắk Nông có 12 dự án, bao gồm các nhà máy điện mặt trời: Xuyên Hà; Ea T’Ling; Cư Knia; KN Buôn Tua Srah... Đáng chú ý, nhóm dự án này đều có công suất nhỏ, và cơ quan chức năng không ghi nhận được thông tin về chủ đầu tư cũng như tình trạng dự án. Một số dự án điện mặt trời khác đã vận hành như Cư Jut và Trúc Sơn. Trong khi đó, nhiều dự án điện gió chưa đi vào vận hành như: Nam Bình 1; Đắk Hòa; Asia Đắk Song 1; Đắk N’Drung 1, 2, 3.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, có 9 dự án gồm: điện gió Côn Sơn, Công Lý; điện mặt trời tại Khu công nghiệp Châu Đức, Hồ Gia Hoét 1, Hồ Tầm Bó, Đá Bạc và các dự án Đá Bạc 2, 3, 4.

Tỉnh Ninh Thuận có 12 dự án, bao gồm các nhà máy điện mặt trời: Thiên Tân 1; Bim 2; Phước Hữu; Mỹ Sơn; Trung Nam Thuận Bắc; Trung Nam Thuận Nam; Thiên Tân Solar; Xuân Thiện - Thuận Bắc giai đoạn 1; CMX Renewable Energy Việt Nam; và các dự án điện gió: Phước Hữu - Duyên Hải 1, Công Hải giai đoạn 2, Công Hải 1.

Tỉnh Khánh Hòa có 6 dự án, bao gồm: Điện mặt trời Sông Giang; KN Cam Lâm; Tuấn Ân; Điện lực Miền Trung; Trung Sơn; và Cam Lâm VN.

Viglacera (VGC) đặt kế hoạch lãi trước thuế 1.743 tỷ đồng trong năm 2025

Vụ Bách Hóa Xanh nhập 350 – 400kg giá đỗ ngâm hóa chất độc hại mỗi ngày: Doanh nghiệp lên tiếng

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhieu-doanh-nghiep-lon-doi-dien-nguy-co-bi-thu-hoi-tien-ban-dien-268250.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhiều doanh nghiệp lớn đối diện nguy cơ bị thu hồi tiền bán điện
    POWERED BY ONECMS & INTECH