Thế giới

Nhiều hãng hàng không lớn đồng loạt rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đã xảy ra?

Ngọc Hân 26/10/2024 - 13:03

Việc đóng cửa không phận Nga đã khiến các đường bay đến châu Á kéo dài, đòi hỏi nhiên liệu nhiều hơn và chi phí cao hơn, trong khi lượng khách du lịch vào Trung Quốc vẫn trì trệ sau đại dịch.

CNBC đưa tin, các hãng hàng không toàn cầu lớn đang giảm tần suất hoạt động và thậm chí trong một số trường hợp, rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc.

Nguyên nhân là bởi các tuyến bay đến châu Á bị kéo dài hơn sau khi không phận Nga đóng cửa, làm tăng chi phí hoạt động trong khi nhu cầu vẫn thấp.

Virgin Atlantic (Anh) và Scandinavian Airlines (Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy) đang hoàn toàn rút lui khỏi Trung Quốc, theo trang web của các công ty.

Trong đó, Virgin Atlantic đã ngừng tất cả các chuyến bay đến Hồng Kông (Trung Quốc) và đóng cửa văn phòng tại đó từ năm 2022, chấm dứt sự hiện diện 30 năm của hãng tại trung tâm tài chính châu Á.

Một báo cáo từ trang tin Skift cho thấy 7 hãng hàng không lớn đã rút khỏi Trung Quốc trong 4 tháng qua.

Nhiều hãng hàng không lớn đồng loạt rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 1
British Airways, Qantas và Finnair là một số hãng hàng không đang cắt giảm dịch vụ đến Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Nhà phân tích John Grant tại công ty tình báo hàng không OAG nói rằng tình hình này “sẽ càng trở nên nghiêm trọng trước khi có thể cải thiện”.

Một số hãng hàng không khác cũng đang rút lui khỏi Trung Quốc bao gồm Qantas, Lufthansa, British Airways, LOT Polish, Finnair.

Theo Grant, British Airways đã liên tục giảm kích cỡ máy bay phục vụ cho các tuyến tới Trung Quốc. Ông tiết lộ đây là một cách khác để hạ quy mô công suất, nhưng vẫn duy trì “dấu chấm" trên bản đồ tuyến bay của hãng hàng không.

Chi phí tăng cao

Sau khi Nga xảy ra xung đột Ukraine, EU và Anh cùng với các quốc gia phương Tây khác đã áp đặt lệnh cấm bay hoàn toàn đối với máy bay Nga. Nga đã đáp trả bằng cách đóng cửa không phận, buộc nhiều hãng hàng không châu Âu phải bay các tuyến đường dài hơn để đến châu Á.

Những chuyến bay dài hơn cần nhiều nhiên liệu hơn, khiến chi phí bay tăng cao. Tuy nhiên, các hãng hàng không Trung Quốc không chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm này, do đó, họ có thể bay tới châu Âu theo tuyến đường cũ một cách nhanh hơn và rẻ hơn so với đối tác châu Âu.

Ngoài ra, Grant bình luận: "Các hãng hàng không phải hoạt động với phi hành đoàn 4 người vì giờ bay kéo dài, trong khi trước đó có thể chỉ cần đội ngũ gồm 2 hoặc 3 người. Khi đội bay thiếu hụt và giờ bay hạn chế, đó là một khoản chi phí khác".

Nhu cầu thấp

Khi nhiều hãng hàng không lớn rút lui khỏi Trung Quốc, một số hãng đã chuyển sang những khu vực khác của châu Á, cho thấy vấn đề không phận của Nga không phải là trở ngại lớn.

Trong khi đó, nhu cầu đi và đến Trung Quốc là một vấn đề lớn khác. Các vấn đề kinh tế của nước này đã hạn chế nhu cầu đi ra nước ngoài, trong khi lượng khách quốc tế đến Trung Quốc cũng không cao.

Theo Chính phủ Trung Quốc, vào năm 2019 trước đại dịch, quốc gia này đã chào đón khoảng 49,1 triệu du khách.

Nhưng tính đến tháng 7 năm nay, con số này chỉ rơi vào khoảng 17,25 triệu lượt khách quốc tế.

Nhiều hãng hàng không lớn đồng loạt rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 2
Finnair đang cắt giảm dịch vụ đến Trung Quốc vào mùa đông năm nay, đồng thời tăng thêm các chuyến bay đến Thái Lan. Ảnh: Getty Images

Hãng hàng không Qantas đã viện dẫn “nhu cầu thấp” khi thông báo hủy tuyến bay từ Sydney đến Thượng Hải vào tháng 5. Nhưng hãng hàng không Australia này vẫn bay từ Sydney, Melbourne, Brisbane và Perth đến Hồng Kông.

Theo Grant, các hãng hàng không của Mỹ không bị ảnh hưởng nặng nề bởi vấn đề không phận của Nga, nhưng họ cũng đang rút lui.

Ông cho hay: "Thực tế, các hãng hàng không Mỹ đang đưa ra những quyết định thương mại khó khăn để ngừng các dịch vụ đến Trung Quốc và triển khai máy bay ở nơi khác. Đó là một quyết định hiển nhiên và phản ánh đúng tình hình thị trường”.

Khó khăn của các hãng hàng không Trung Quốc

Nhu cầu thấp cũng đã gây khó khăn cho các hãng hàng không nội địa tại Trung Quốc.

Nhà phân tích Grant cho rằng các hãng hàng không Trung Quốc sẽ phục hồi, nhưng đấy là trong tương lai xa.

Ông nói: “Họ còn một chặng đường dài phía trước khi hãng hàng không lớn nhất của nước này lỗ 4,8 tỷ USD vào năm 2022 và năm ngoái 'chỉ' lỗ 420 triệu USD, trong khi tất cả các hãng hàng không quốc tế lớn đều có lãi”.

Mùa đông năm nay, ông dự đoán nhiều hãng hàng không Trung Quốc sẽ khai thác 82% tổng số chuyến bay giữa Trung Quốc và Châu Âu, tăng từ mức 56% trước đại dịch.

Nhìn chung, các hãng hàng không Trung Quốc đã tăng công suất đến châu Âu so với trước đại dịch, mặc dù thị trường và dòng chảy thương mại khi đó mạnh hơn nhiều, Grant đánh giá.

“Mùa đông tới sẽ có khoảng 18 tuyến bay mới giữa Trung Quốc và châu Âu, tất cả đều là của Trung Quốc,” Grant cho biết. “Thật điên rồ vì thực tế không có nhu cầu thực sự”.

Theo CNBC

>> Chưa từng có trong lịch sử: Kình địch của Boeing cắt giảm 2.500 nhân viên, ngành hàng không thế giới chao đảo

Chưa từng có trong lịch sử: Kình địch của Boeing cắt giảm 2.500 nhân viên, ngành hàng không thế giới chao đảo

Hiểm họa khó lường trên bầu trời từ tín hiệu GPS giả mạo: 'Chiến tranh điện tử' khiến rủi ro hàng không tăng đột biến

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nhieu-hang-hang-khong-lon-dong-loat-rut-khoi-trung-quoc-chuyen-gi-da-xay-ra-128991.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhiều hãng hàng không lớn đồng loạt rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đã xảy ra?
    POWERED BY ONECMS & INTECH