Nhìn lại quá trình phê duyệt dự án đường sắt tốc độ cao hơn 67 tỷ USD, đi qua 20 tỉnh thành
Tuyến đường sắt này đã trải qua 4 lần lập báo cáo nghiên cứu trong gần 20 năm.
Tháng 10 vừa qua, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến tại Hội nghị Trung ương. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm lớn từ người dân và toàn xã hội. Nhìn lại lịch sử, dự án này đã trải qua 4 lần lập báo cáo nghiên cứu trong gần 20 năm.
Báo cáo đầu tiên được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) lập từ năm 2005-2008 với đề xuất ưu tiên triển khai hai đoạn Hà Nội - Hà Tĩnh và TP. HCM - Nha Trang.
Từ báo cáo này, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xác định là đường đôi, khổ ray 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h (tốc độ khai thác thực tế 300km/h).
Lần lập báo cáo thứ hai diễn ra trong giai đoạn 2008-2009 do liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC) thực hiện với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư.
Báo cáo này xác định đầu tư cho toàn tuyến đường sắt cao tốc từ Hà Nội - TP. HCM với chi phí 55,8 tỷ USD.
Đến tháng 3/2010, báo cáo vượt qua vòng phê duyệt của Hội đồng Thẩm định Nhà nước và được Bộ Chính trị tán thành, rồi được trình Quốc hội vào tháng 5/2010. Tuy nhiên, trong số 439 đại biểu Quốc hội, chỉ 185 đại biểu tán thành, trong khi 208 đại biểu không đồng ý và 34 đại biểu không biểu quyết, dẫn đến việc dự án không được thông qua.
>> Hé lộ danh tính ‘ông lớn’ đứng sau dự án nhà ở công nhân nghìn tỷ tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam
Từ năm 2011-2013, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu dự án, kết quả là báo cáo thứ ba do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện. Báo cáo này tiếp tục đề xuất xây dựng tuyến đường sắt đôi, điện khí hóa, khổ ray 1.435mm, chỉ khai thác tàu khách. Đến năm 2015, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo lập đề án đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam, trình Quốc hội trước năm 2020.
Năm 2017, Bộ GTVT giao liên danh tư vấn Tedi - Tricc - Tedi South lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Từ đây, cụm từ "cao tốc" được đổi thành "tốc độ cao". Đến đầu năm 2019, kết quả nghiên cứu tiền khả thi đã được Bộ GTVT trình lên Chính phủ.
Báo cáo đề xuất tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM dài 1.545km, khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, đi qua 20 tỉnh thành với 23 nhà ga, tốc độ thiết kế 350km/h (tốc độ khai thác 320km/h). Tổng mức đầu tư dự kiến là 58,71 tỷ USD và đề xuất cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam cũ để chuyên chở hàng hóa.
Tuyến đường bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và đi qua 20 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM).
Báo cáo tiền khả thi phải trải qua thẩm định của Hội đồng Thẩm định Nhà nước. Sau khi xem xét, một liên danh tư vấn thẩm tra độc lập đưa ra báo cáo phản biện, cho rằng nên đầu tư tốc độ 250km/h cho cả tàu khách và tàu hàng thay vì 350km/h chỉ phục vụ tàu khách.
Phương án này nâng tổng mức đầu tư lên 67,34 tỷ USD và đề xuất tăng số nhà ga lên 50. Do bất đồng giữa bên lập báo cáo và bên thẩm tra, dự án bị trả lại để tiếp thu và hoàn thiện.
Trước đó, ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Kết luận nhấn mạnh phải phấn đấu phê duyệt xong chủ trương đầu tư trước năm 2025 và khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030, bao gồm Hà Nội - Vinh và TP. HCM - Nha Trang. Đến năm 2035, toàn tuyến phải hoàn thành.
Trong cuộc họp ngày 11/7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thiết kế tuyến đường sắt tốc độ khoảng 350km/h, chủ yếu phục vụ hành khách và vận tải hàng hóa nhẹ khi cần thiết. Trên cơ sở chỉ đạo này, Bộ GTVT yêu cầu tư vấn dự án tiếp thu Kết luận 49 và một phần góp ý của đơn vị thẩm tra để hoàn thiện báo cáo.
Bản báo cáo sau khi chỉnh sửa vẫn xác định tốc độ thiết kế 350km/h, nhưng công năng được điều chỉnh linh hoạt, phục vụ cả vận tải hành khách, quốc phòng, an ninh và hàng hóa khi cần.
Mới đây, Bộ GTVT đã trình Đề án chủ trương đầu tư lên Bộ Chính trị và dự án đã được đưa ra Trung ương thảo luận, nhất trí thực hiện. Đây là bước tiến quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Hiện nay, Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan đang hoàn thiện báo cáo tiền khả thi dự án, chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 10/2024. Mục tiêu là phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025, giải phóng mặt bằng và khởi công trước năm 2030, hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xem là công trình trọng điểm quốc gia, kỳ vọng mang lại nhiều giá trị cho phát triển kinh tế.
Với tốc độ thiết kế 350km/h, các chặng Hà Nội - Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang sẽ chỉ mất lần lượt 1,3 giờ; 2,7 giờ và 4,3 giờ - nhanh hơn nhiều so với đường sắt hiện hữu và ô tô khách. Đây được xem là xu hướng phù hợp và hiệu quả, hứa hẹn thay đổi bộ mặt giao thông của Việt Nam.
>> Chủ đầu tư siêu dự án 4,1 tỷ USD 'đắp chiếu' gần 20 năm bị cưỡng chế 5.400 tỷ đồng tiền thuế