Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
Ngay sau khi Công điện ngày 20/3/2024 được ban hành yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, chiều tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) các Bộ, ngành về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng.
Theo đó, NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô nhằm tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.
Tại đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cũng cho biết, trong số những giải pháp đồng bộ quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, giải pháp "Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng" là quan trọng nhất để thay đổi cục diện thị trường vàng miếng sau 12 năm triển khai thực hiện. Không còn tình trạng bất ổn thị trường vàng như giai đoạn trước, tình trạng "vàng hóa" đã được hạn chế, biến động của giá vàng ít tác động đến tỷ giá chính thức, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô trong nước.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết thêm, hiện vẫn còn tồn tại chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC so với các loại vàng miếng khác, vàng trang sức mỹ nghệ 99,99% và giá vàng quốc tế. Mặc dù giải pháp Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là giải pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nhưng từ năm 2014 đến nay, NHNN chưa tổ chức đấu thầu bán vàng miếng tăng cung trên thị trường.
Do vậy, sau gần 10 năm, nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường hạn chế có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế duy trì ở mức cao.
Trước đó, tại họp báo "Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, NHNN đã lấy ý kiến các bộ, ngành chức năng có liên quan, Hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia về báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24.
Về việc sửa cơ chế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói thêm, mục tiêu quan trọng lớn nhất trong quá trình xây dựng và suốt quá trình triển khai Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất.
Theo Phó Thống đốc, Nghị định 24 quy định NHNN độc quyền kinh doanh vàng miếng và Nghị định này đã đáp ứng được kỳ vọng đề ra. Tuy nhiên, vì đã ra đời cách đây 11 năm và các điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi nên việc sửa Nghị định 24 là cần thiết và đáng nhẽ phải sửa đổi sớm hơn.
>> Thủ tướng: Xử lý ngay chênh lệch giá vàng miếng trong nước với thế giới
Xử lý chênh lệch giá vàng SJC: Cho nhập thêm hay bỏ độc quyền?
Thủ tướng: Xử lý ngay chênh lệch giá vàng miếng trong nước với thế giới