Nhóm cổ phiếu "họ FLC" bất ngờ tăng mạnh mẽ những ngày đầu tháng 8. Tuy nhiên, khó khăn của các doanh nghiệp nhóm này có vẻ vẫn chưa qua!
Đến thời điểm hiện tại, có thể nói ngày trở lại đỉnh cũ - cũng là ngày "về bờ" của nhiều nhà đầu tư có lẽ vẫn là khá mơ hồ - nhất là khi nhìn vào diễn biến thị trường chung cũng như những "bộn bề" của nhóm cổ phiếu FLC...
Nhóm cổ phiếu "họ FLC" bất ngờ bứt phá
Kết phiên giao dịch ngày 2/8/2022, thị trường chứng khoán tiếp tục có thêm một phiên tăng điểm đáng kể; VN-Index thuần lợi trở lại mốc 1.240 điểm.
Hưng phấn cùng thị trường, nhóm cổ phiếu FLC cũng đồng loạt tăng mạnh trong đó HAI, FLC, ROS, AMD được đẩy lên mức giá trần; ART và KLF tăng lần lượt 4,1 và 6,2%. Riêng cổ phiếu GAB không cuất hiện giao dịch kể từ thời điểm trước khi ông Trịnh Văn Quyết - cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này (nắm hơn 51% sở hữu) bị bắt.
Diễn biến giá cổ phiếu họ "FLC" phiên 2/8/2022
Đây cũng là phiên tăng hiếm hoi gây "ngỡ ngàng" cho nhà đầu tư bởi đã khá lâu trạng thái "hưng phấn tập thể" này mới xuất hiện trở lại; đặc biệt là khi rất nhiều trong số 7 doanh nghiệp này vừa báo lỗ quý II/2022.
Một số bình luận của nhà đầu tư về phiên tăng mạnh của nhóm ngày 2/8
Chỉ 2 doanh nghiệp báo lãi quý II
Tính đến thời điểm này, 5/7 doanh nghiệp thuộc "hệ sinh thái FLC" gồm CTCP Tập đoàn FLC (Mã FLC - HOSE), CTCP Nông dược H.A.I (Mã HAI - HOSE), CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Mã KLF - HNX), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã AMD - HOSE) và CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã GAB - HOSE) đã thực hiện công bố báo cáo tài chính quý II và bán niên năm 2022.
Trong khi đó, CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã ROS - HOSE) và CTCP Chứng khoán BOS (Mã ART - HNX) trước đó đều đã có đơn gửi các sở về việc xin tạm hoãn công bố báo cái tài chính quý này.
Cổ phiếu ROS (FLC Faros) sắp bị đình chỉ giao dịch trên HOSE
Theo ghi nhận, khoản doanh thu lớn nhất trong số doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 thuộc về Tập đoàn FLC với ghi nhận 623 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu của KLF trong kỳ chỉ đạt vỏn vẹn 29,4 tỷ.
Xét về lợi nhuận, ngoại trừ HAI báo lãi khả quan với 17.1 tỷ đồng và GAB lãi "còi" 1 tỷ, các doanh nghiệp trong họ còn lại đều báo lỗ trong đó FLC lỗ nặng 640 tỷ đồng (lũy kế từ đầu năm 2022 lỗ hơn 1.100 tỷ). Trong khi đó, KLF và AMD cũng lần lượt lỗ 17,7 tỷ và 24 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Kết quả kinh doanh kèm chỉ tiêu lợi nhuận năm của nhóm doanh nghiệp họ "FLC" đã công bố BCTC quý II/2022 (Riêng AMD và HAI chưa công bố báo cáo thường niên 2021)
Giai đoạn khó khăn vẫn chưa qua...
Hơn 6 tháng trở lại đây có lẽ là khoảng thời gian buồn và đáng quên nhất đối với hàng vạn nhà đầu tư chứng khoán kể từ thời điểm cuối tháng 3/2020 (khi thị trường rơi về đáy trước ảnh hưởng của dịch COVID-19). Đây cũng là khoảng thời gian đáng quên của giới cổ đông họ cổ phiếu FLC - đặc biệt là với những nhà đầu tư lỡ tay "bắt trúng dao rơi" vùng "gió lộng".
Một số lãnh đạo chủ chốt bị bắt, nhiều cổ phiếu hot bị đưa vào diện cảnh báo, nhiều phiên họp ĐHCD thường niên năm 2022 đã bị "delay" vì không đủ số lượng, cá biệt có phiên họp chỉ ghi nhận chưa đến 5% số cổ phần có quyền biểu quyết dự họp.
Ngoài ra, sự biến động liên tục trong cơ cấu lãnh đạo cấp cao ở một số doanh nghiệp cũng khiến nhóm này hiện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý I - II/2022.
Trên thị trường chứng khoán, sau nhiều lần "biến cố", nhóm cổ phiếu họ FLC bị kéo giảm 50 - 70% chỉ sau vài tháng. Ngoại trừ GAB không có thanh khoản, các cổ phiếu còn lại hiện đều giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí 4/6 mã đang giao dịch ở ngưỡng 3.xxx đồng - tức chỉ tương đương giá 1 cốc trà đá.
Ngày trở lại đỉnh cũ - cũng là ngày "về bờ" của nhiều nhà đầu tư có lẽ vẫn là khá mơ hồ - nhất là khi nhìn vào diễn biến thị trường chung cũng như những "bộn bề" của cả nhóm này ở thời điểm hiện tại.
[Chứng khoán cười] "Bluechip FLC" và niềm tin cổ đông thời hậu Q-Index
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh