Trong bối cảnh đầu tư công được đẩy mạnh, nhiều nhóm ngành được dự báo sẽ được hưởng lợi như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, dầu khí và xây lắp điện…
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn cho đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 là 756.111 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước là 727.111 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 2 năm 2023 đã phân bổ được trên 638.613 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch.
Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ là điểm nhấn chính cho đầu tư công 2023. Theo đó, tổng vốn đầu tư của Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng, cơ bản hoàn thiện vào 2025. Tổng cộng 12 dự án được chia làm 25 gói thầu nhỏ, trong đó 12 gói thầu ban đầu được khởi công năm 2022 và 13 gói thầu còn lại được khởi công vào đầu năm 2023.
Đặc biệt, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã được quyền chỉ định thầu Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư. Bộ cũng đã công bố các tiêu chí lựa chọn nhà thầu xây lắp nhằm đảm bảo các dự án được thực hiện một cách minh bạch.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, sau khi được chỉ định thầu tại dự án Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (đầu năm 2023), các công ty xây dựng hạ tầng hàng đầu đã gia tăng đáng kể giá trị backlog của mình (tương đương 3,7 lần - 6,0 lần so với trung bình doanh thu xây lắp giai đoạn 2021 - 2022). Trong quý II/2023, nhóm các công ty này đã tiếp tục trúng thêm nhiều gói thầu đáng chú ý tại đường Vành đai 4 – Hà Nội, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột,…
Đối với ngành vật liệu xây dựng, VNDirect kỳ vọng, các công ty đá xây dựng sẽ được hưởng lợi chính từ việc đẩy nhanh tiến độ thi công tại sân bay Long Thành và các dự án cao tốc khu vực phía Nam.
“Chúng tôi nhận thấy nhiều dự án phát triển dầu khí quy mô vừa và nhỏ đã được bật đèn xanh và có những chuyển động đáng kể trong vài tháng qua, đơn cử như dự án Đại Hùng Giai đoạn 3, Kình Ngư Trắng hay Lạc Đà Vàng. Nhờ mặt bằng giá dầu cao và có thể kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng ngoài khơi sẵn có, chúng tôi tin rằng các dự án này sẽ không gặp phải trở ngại đáng kể nào trong quá trình triển khai”, nhóm chuyên gia phân tích của VNDirect nhận định.
Trong khi đó, nhiều tín hiệu cho thấy dự án phát triển mỏ khí trị giá nhiều tỷ USD Lô B – Ô Môn có thể được triển khai từ cuối năm 2023, trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành Dầu khí trong thời gian tới.
Nhìn chung, những dự án này sẽ cung cấp khối lượng backlog khổng lồ cho các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí trong nước, trước hết là cho các nhà thầu EPC như Tổng Công ty CP DV Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) và các đơn vị cung cấp dịch vụ khoan như Tổng Công ty CP Khoan và DV Khoan Dầu khí (PVD).
Cũng theo VNDirect, hạ tầng năng lượng bao gồm xây dựng lưới điện và nhà máy là nhiệm vụ trọng yếu nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Trong giai đoạn đầu, công ty chứng khoán này cho rằng, các nhà thầu xây dựng hạ tầng điện sẽ hưởng lợi, theo sau đó là chủ đầu tư các nhà máy điện.
Theo Quy hoạch Điện 8 (QHĐ8), phát triển công suất nguồn điện dự kiến tăng mạnh trong 2023 - 2050. Doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong phân khúc nhiệt điện với quy mô lớn (MW).
VNDirect cho rằng, QHĐ8 chính thức được ban hành đã mở ra một chương mới cho ngành điện Việt Nam, định hướng tập trung các nguồn điện sạch hơn như điện khí và năng lượng tái tạo. Do đó, khối lượng công việc sẽ nhiều hơn cho nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng điện nhằm thực hiện hóa tham vọng xanh.
“Trong giai đoạn đầu, chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp xây lắp điện bao gồm lưới truyền tải và thầu xây dựng nhà máy sẽ được hưởng lợi sớm nhất. Hơn nữa, một số nhà phát triển điện khí và điện gió sở hữu dự án được đưa vào QHĐ 8 cũng sẽ có triển vọng tươi sáng hơn trong tương lai”, nhóm chuyên gia phân tích của VNDirect nhận định.