Những thách thức đối với Israel nếu tấn công cơ sở hạt nhân Iran
Nếu muốn trả đũa bằng cách tấn công quy mô lớn vào các cơ sở hạt nhân của Iran, Israel sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, và có thể cần tới sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ.
"Israel có thể gây tổn hại tới chương trình hạt nhân của Iran mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ. Nhưng không rõ liệu họ có thể tự thực hiện loại tấn công truyền thống thường xuyên để làm chậm nghiêm trọng chương trình hạt nhân của Iran hay không", ông Farzan Sabet, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện đào tạo sau Đại học Geneva, chia sẻ với Business Insider.
Trong tuần trước, khi được phóng viên đặt câu hỏi liệu Mỹ có ủng hộ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran hay không, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh “câu trả lời là không”.
Nỗi lo Israel và Iran đang bên bờ vực của một cuộc chiến toàn diện ngày càng gia tăng. Đây được xem là cuộc chiến mà Mỹ khó có thể ngăn chặn.
Đỉnh điểm, Iran đã phóng khoảng 180 tên lửa đạn đạo vào Israel vào tối ngày 1/10. Theo tờ New York Times, hầu hết tên lửa của Iran đều bị quân đội Israel và Mỹ đánh chặn. Hành động tấn công của Iran là để đáp trả chiến dịch quân sự của Israel chống lại nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon. Trong khi đó, Hezbollah được xem là lực lượng ủy nhiệm ở nước ngoài hùng mạnh nhất của Iran.
Sau cuộc tấn công, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định Iran "đã phạm phải sai lầm lớn" và sẽ phải "trả giá". Các chuyên gia dự đoán phản ứng sắp xảy ra của Israel sẽ chuyển từ các vụ ám sát có chủ đích sang phá hủy các cơ sở năng lượng của Iran.
Tuy nhiên, đòn tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng bao gồm việc Iran chạy đua chế tạo vũ khí hạt nhân.
Những thách thức lớn đối với Israel
Israel sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại khác nhau nếu muốn tiến hành một cuộc tấn công lớn vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Trở ngại đầu tiên là khoảng cách. Theo tờ Financial Times, khoảng cách giữa Israel và các căn cứ hạt nhân chính của Iran là hơn 1.600km.
Cuộc tấn công này cũng sẽ đòi hỏi nguồn lực đáng kể. Theo báo cáo năm 2012 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Israel cần khoảng 100 máy bay quân sự để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Con số này tương đương gần 1/3 trong tổng số 340 chiến đấu cơ của Israel.
Các địa điểm hạt nhân của Iran còn nằm trải dài trên nhiều địa điểm khác nhau. Thậm chí, một số địa điểm quan trọng nhất còn nằm dưới các boongke ngầm được gia cố cẩn thận.
Trong tháng 10, các chuyên gia tại tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists nhận định, việc nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran tại Fordow và Natanz sẽ cần tới siêu bom phá boongke GBU-57A/B hạng nặng của Mỹ.
Chưa hết, cuộc tấn công của Israel còn cần vô hiệu hóa các hệ thống phòng không, và các địa điểm mà Iran có thể sử dụng để phản công.
"Israel có thể một mình gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng có lẽ họ không thể phá hủy những cơ sở nằm dưới hầm sâu nhất, nếu như họ không có sự hỗ trợ của Mỹ", ông Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện Royal United Services ở London, Anh cho hay.
Thay vào đó, nhiều chuyên gia cho rằng Israel nên lựa chọn các cuộc tấn công hạn chế hơn nhằm vào Iran. Ông Robert Dover, Giáo sư an ninh quốc tế tại Đại học Hull, cho hay Israel có thể tấn công vào các tuyến hậu cần được sử dụng để hỗ trợ cho chương trình hạt nhân của Iran.
Nhà nghiên cứu Sabet cũng đồng tình với nhận định trên. Theo ông, các căn cứ quân sự, cơ sở hạt nhân thứ cấp, và các mục tiêu kinh tế của Iran nhiều khả năng trở thành mục tiêu tấn công của Israel trong giai đoạn hiện tại.
Về phần mình, Iran vẫn khẳng định chương trình hạt nhân quốc gia phục vụ cho mục đích hòa bình, và Tehran không có kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân.