Nhịp sống

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 3: Đau đáu chăm sóc sức khỏe người dân

PV 06/11/2024 10:50

TP - Đau đáu với việc chăm sóc sức khoẻ con người, ở tuổi 30, TS Nguyễn Phước Vinh - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Phó Trưởng khoa Khoa Dược, Trường ĐH Khoa học sức khỏe (ĐHQG TPHCM), đi tìm các giải pháp giải quyết những vấn đề nóng như: kháng thuốc kháng sinh; kháng nấm; và hỗ trợ điều trị ung thư.

Hướng đi mới trong điều trị ung thư

Giới thiệu về bản thân, TS Nguyễn Phước Vinh nói ngắn gọn: “Tôi xuất thân trong gia đình là nông dân (bên nội) và ngư dân (bên ngoại). Gia đình không có truyền thống hoạt động trong lĩnh vực Y Dược”.

Là người con miền biển, sinh ra và lớn lên tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, TS Nguyễn Phước Vinh bắt đầu theo đuổi đam mê của mình về khoa học sức khỏe tại khoa Dược, Đại học Y Dược TPHCM. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học năm 2017, anh đã chinh phục học bổng xuất sắc của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để theo học thẳng Thạc sĩ năm thứ 2 về Dược học tại Trường Đại học Paris-Sud - Đại học Paris-Saclay (Pháp). Chàng trai đến từ đất nước Việt Nam gây ấn tượng mạnh về thành tích học tập xuất sắc với đề tài luận văn thạc sĩ đạt được 2 công bố trên Q1 - tạp chí khoa học quốc tế uy tín nhất hiện nay và 1 bằng độc quyền sáng chế quốc tế.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 3: Đau đáu chăm sóc sức khỏe người dân ảnh 1
TS Nguyễn Phước Vinh (thứ 2, từ trái qua) tham gia chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân.

Chàng trai miền biển tiếp tục gây chú ý đặc biệt với đề tài luận án tiến sĩ tại Đại học Tours (Pháp) đạt được 5 công bố Q1 và giải thưởng xuất sắc về bào chế năm 2022, do Viện hàn lâm Dược học Pháp trao tặng. Đề tài nghiên cứu sinh tiến sĩ của anh tập trung vào việc phát triển một hệ nano thuốc tác động đích lên các tế bào ung thư thông qua việc nhận biết tín hiệu protein đặc biệt trên tế bào ung thư (EGFR), sử dụng liệu pháp gene (các siARN), và đánh dấu hạt nhân.

TS Nguyễn Phước Vinh là chủ nhân của 1 bằng độc quyền sáng chế quốc tế; 10 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1, Q2 (7 bài Q1); 4 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước; chủ trì 1 đề tài cấp Bộ đã được nghiệm thu; 4 giải thưởng, huy chương cấp Quốc gia; 1 sản phẩm nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng thực tiễn.

Theo anh Vinh, hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân ung thư ngày càng gia tăng và đã trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Trong điều trị ung thư, thuốc và các thuốc kháng ung thư (hóa trị) được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, tác dụng phụ của các thuốc này hết sức nặng nề.

“Tình trạng kháng thuốc đang ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Điều này, khiến tôi luôn trăn trở và dành trọn tâm huyết nghiên cứu đề tài này trong những năm tháng làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Pháp”, TS Vinh chia sẻ.

Sau những ngày tháng miệt mài nghiên cứu, công trình đã xây dựng và tối ưu hóa thành công một hệ nano thuốc dùng đường tiêm. Tiềm năng hiệu quả của công trình nghiên cứu được chứng minh ở hai cấp độ: tế bào (in vitro) và động vật thí nghiệm (in vivo). Ở cấp độ tế bào, hệ nano thuốc thể hiện khả năng bảo vệ vượt trội các đoạn gene can thiệp (vốn rất dễ bị phân hủy khi vào cơ thể người); khả năng xâm nhập vào tế bào tốt hơn và có chọn lọc hơn trên 2 dòng tế bào ung thư vú ba âm và ung thư phổi tế bào không nhỏ. Bên cạnh đó, khi sử dụng hệ nano này, khả năng ức chế gene ung thư lên đến 70%. Đặc biệt, hệ nano thuốc có tác dụng diệt ung thư tăng gấp ba lần khi kết hợp với liệu pháp hóa trị liệu.

Công trình đã phát triển thành công một hệ dẫn thuốc làm tăng hiệu quả và giảm tác dụng phụ của liệu pháp hóa trị trong điều trị ung thư vú ba âm và ung thư phổi tế bào không nhỏ.

Một điểm mạnh khác của hệ này, đó là có thể theo dõi được thuốc phân bố như thế nào trong cơ thể thông qua đánh dấu phóng xạ, từ đó, có thể điều chỉnh kế hoạch điều trị phù hợp. Các kết quả nếu được chứng minh trên lâm sàng sẽ mở ra một liệu pháp điều trị mới cho các bệnh nhân ung thư, cũng như tăng tỉ lệ thành công trong điều trị các loại ung thư.

Giải bài toán về kháng kháng sinh

Đạt được những thành tựu nổi bật trong cộng đồng khoa học quốc tế, và nhận được các lời mời làm việc với mức lương hấp dẫn tại Pháp nhưng TS. Nguyễn Phước Vinh quyết định về nước phát triển sự nghiệp của mình.

“Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ vào đầu năm 2022 và trải qua mùa đại dịch COVID-19 tại xứ người, hơn bao giờ hết, tôi mong muốn trở về và cống hiến cho đất nước trong lĩnh vực khoa học sức khỏe”, anh chia sẻ.

Trong lúc đang băn khoăn tìm hướng phát triển bản thân, anh gặp lại người thầy đáng kính của mình - GS.TS Lê Minh Trí, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Sức khỏe (ĐHQG TPHCM). “Buổi gặp mặt ngày hôm ấy chỉ vỏn vẹn 30 phút nhưng kế hoạch phát triển 30 năm tới của tôi đã cơ bản được định hình và tôi quyết định chọn công tác tại Trường ĐH Khoa học Sức khỏe (tiền thân là khoa Y)”, TS. Vinh chia sẻ. Tại đây, anh theo đuổi con đường nghiên cứu về vấn đề kháng thuốc kháng sinh và kháng nấm.

Dù mới về nước thời gian ngắn, TS Vinh đã được lãnh đạo ĐHQG TPHCM tín nhiệm giao chủ nhiệm đề tài nghiên cứu giải pháp giải quyết tình trạng kháng thuốc kháng nấm cho bệnh nhân ung thư Việt Nam. “Đây là đề tài đầu tiên tôi thực hiện với vai trò chủ nhiệm. Từ ý tưởng, phương pháp nghiên cứu, nhân lực, nguồn tài chính, công bố... mọi thứ đều do tôi đích thân tiến hành và trải nghiệm”, anh chia sẻ.

Kết quả, anh đã có 2 công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín: 1 công bố Q1 và 1 công bố Q3, với tổng kinh phí rất tiết kiệm - 110 triệu đồng (theo định mức của ĐHQG TPHCM, một công bố Q1 cần khoảng 250 triệu đồng và một công bố Q3 là 150 triệu đồng - PV).

Theo TS Vinh, kháng thuốc, đặc biệt là kháng sinh hay kháng nấm đang là vấn nạn toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam nói riêng. Hiện trên thế giới các tập đoàn dược phẩm lớn (bigpharma) đã từ bỏ việc nghiên cứu thuốc kháng sinh mới. “Với vai trò là nhà nghiên cứu từ tổ chức chính phủ, nếu nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp tiềm năng, các Bigpharma sẽ tiến hành đầu tư tiếp theo để giảm thời gian và rủi ro. Từ đó, vấn đề nghiêm trọng này có khả năng được cải thiện hơn, thay vì bỏ qua như hiện tại”, anh chia sẻ.

Bên cạnh nghiên cứu khoa học, TS Vinh triển khai dự án đổi mới giáo dục trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, với mong muốn đào tạo đội ngũ dược sĩ Việt Nam có tâm, có tầm. Hiện, anh tham gia chương trình trao đổi học giả của Dự án PHER, tại Trường Y Harvard (Boston, Mỹ), trong thời gian 3 tháng, tập trung về xây dựng và thiết kế chương trình đào tạo liên ngành (nơi mà các sinh viên từ các ngành nghề khác nhau trong lĩnh vực sức khỏe có thể học tập cùng nhau với mục tiêu chung là mang lại lợi ích lớn nhất cho bệnh nhân).

“Tôi hy vọng có thể đóng góp công sức nhỏ bé vào quá trình đào tạo cán bộ y tế theo hướng dựa trên năng lực và lấy người học làm trung tâm”, TS Vinh nói thêm.

>> Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 2: Người đặt nền tảng cho nhiều dự án bảo mật

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 2: Người đặt nền tảng cho nhiều dự án bảo mật

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 1: Trở về để đóng góp lớn hơn

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/nhung-tien-si-tre-va-khat-vong-doi-thay-bai-3-dau-dau-cham-soc-suc-khoe-nguoi-dan-post1688847.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 3: Đau đáu chăm sóc sức khỏe người dân
    POWERED BY ONECMS & INTECH