Đức đòi 500 tỷ euro, Nga phản pháo: ‘Liên Xô từng cứu cả châu Âu’
Phát biểu của hai bên diễn ra trong bối cảnh cuộc tranh cãi về khối tài sản dự trữ quốc gia của Nga bị phong tỏa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngày 10/7, tại Hội nghị Tái thiết Ukraine tổ chức ở Rome (Italy), Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên bố Nga phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những thiệt hại mà Ukraine gánh chịu kể từ khi xung đột bùng phát vào năm 2022.

Chỉ một ngày sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã phản ứng dữ dội, cho rằng phương Tây nên xem lại vai trò của mình trong lịch sử.
“Chúng ta có thể bắt đầu tính toán từ sự can thiệp của phương Tây vào giai đoạn 1918–1922”, bà nói, ám chỉ việc quân đội Anh, Pháp, Mỹ, Nhật và cả Đức từng tham chiến trên lãnh thổ Nga để hỗ trợ lực lượng chống Bolshevik trong cuộc nội chiến sau Cách mạng tháng 10.
Zakharova cũng nhấn mạnh rằng Liên Xô đã hy sinh rất lớn để giải phóng và tái thiết nước Đức sau Thế chiến thứ hai, nhưng chưa bao giờ yêu cầu bồi hoàn.
“Chính máu của người Liên Xô đã giải phóng châu Âu khỏi phát xít và góp phần tái thiết những gì còn lại ở Đức. Nếu nói đến nợ nần, thì chúng tôi cũng có quyền đặt câu hỏi: Đức đã trả gì cho điều đó?” – bà Zakharova tuyên bố.
Bà dẫn ví dụ về việc các chuyên gia Liên Xô đã khôi phục hơn 1.200 bức tranh từ Phòng tranh Dresden – bộ sưu tập nghệ thuật nổi tiếng của Đức từng bị bom Mỹ-Anh phá hủy. Dù được quân Đức cất giấu trong hầm mỏ để tránh bom, nhiều tác phẩm bị hư hại nặng do điều kiện bảo quản tồi.
Năm 1955, toàn bộ số tranh này đã được Liên Xô trao trả cho Đông Đức, không kèm bất kỳ yêu cầu bồi thường nào.
Ngoài ra, Zakharova còn nhấn mạnh rằng phương Tây không thể phủ nhận vai trò trong sự sụp đổ của Liên Xô, và nếu họ thừa nhận điều đó, “thì cũng không có lý do gì Nga không thể bắt đầu ‘tính toán’ lại mọi thứ từ đầu”.
Phát biểu của hai bên diễn ra trong bối cảnh cuộc tranh cãi về khối tài sản dự trữ quốc gia của Nga bị phong tỏa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Kể từ năm 2022, khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đã bị các nước phương Tây đóng băng. Trong khi một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ và các nước EU, ủng hộ việc tịch thu số tiền này để viện trợ cho Ukraine, giới chuyên gia pháp lý cảnh báo đây có thể là hành động vi phạm luật pháp quốc tế về tài sản quốc gia.
Thay vào đó, EU đã nhất trí sử dụng phần lợi nhuận phát sinh từ tài sản bị đóng băng – như tiền lãi trái phiếu – để hỗ trợ Kiev, bao gồm cả viện trợ quân sự. Nga gọi đây là hành vi "ăn cắp có hệ thống", vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực quốc tế và cảnh báo động thái này có thể gây bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu trong dài hạn.
>> EU ráo riết tìm đồng minh, sẵn sàng ‘ăn miếng trả miếng’ nếu ông Trump áp thuế 30%
Nga - Triều Tiên khai trương chuyến bay thẳng đầu tiên giữa 2 thủ đô
Các nước làm ăn với Nga bất ngờ nhận 'tối hậu thư' từ ông Trump