Nợ xấu khó bán, tài sản thế chấp có nguy cơ "bay màu"

04-07-2023 11:36|Linh Nhi

Không chỉ khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, một số ngân hàng đang đứng trước nguy cơ tài sản thế chấp bỗng dưng bốc hơi do khách hàng khởi kiện nhau khiến hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Đây là những khoản nợ được các khách hàng vay phục vụ đời sống nhưng nay không có khả năng trả nợ.

Theo ghi nhận, giá trị ghi sổ (bao gồm gốc, lãi, lãi phạt) của các khoản nợ này thấp nhất từ hơn 600 ngàn đồng và cao nhất hơn 170 triệu đồng. Phần lớn là những khoản nợ vài triệu đồng. Tổng giá trị ghi sổ của các khoản nợ là hơn 11,9 tỷ đồng trong khi ngân hàng này rao bán với giá khởi điểm hơn 10,8 tỷ đồng.

Cùng ngày, ngân hàng cũng phát thông báo đấu giá lần thứ 4 khoản nợ của Công ty cổ phần Nosco Shipyard với giá khởi điểm hơn 2.302 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng so với lần rao bán trước.

Thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện dày đặc trên trang web của mỗi ngân hàng. BIDV cũng vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Nhà máy Xi măng lò quay Áng Sơn ( xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) với giá 191 tỷ đồng, nợ của Công ty cổ phần Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên với giá 111 tỷ đồng.

Trước đó, BIDV đã hạ giá một loạt khoản nợ sau nhiều lần bán đấu giá không có người mua.

Nợ xấu khó bán, tài sản thế chấp có nguy cơ

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng rất đáng lo ngại.

Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo rất gian nan do thị trường trầm lắng, hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được gỡ.

Nhiều ngân hàng TMCP cho hay, thị trường bất động sản đóng băng đã ảnh hưởng nặng nề đến công tác xử lý nợ của ngân hàng, trong khi nợ xấu tăng lên rất nhanh. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng.

Theo phản ánh của nhiều ngân hàng, gần đây, việc khách hàng vay vốn đã thế chấp tài sản đảm bảo, song sau đó tranh chấp với chủ sở hữu cũ tăng lên chóng mặt, khiến ngân hàng không thể thu hồi nợ.

Các ngân hàng nghi ngờ, tình trạng này xảy ra do khách hàng sử dụng “chiêu trò” để ngân hàng không thể thu giữ tài sản đảm bảo, trốn tránh trả nợ ngân hàng.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch, thì giao dịch đó không bị vô hiệu” (Điều 133).

Tuy nhiên, Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 2/8/2021 của Tòa án Nhân dân tối cao về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật khi giải quyết các vụ án hình sự, dân sự lại không xác định ngân hàng là người thứ ba ngay tình trong trường hợp người vay sử dụng tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng nhưng có tranh chấp với chủ cũ. Trong trường hợp có người khai bất lợi cho các tổ chức tín dụng và có đơn yêu cầu, thì khả năng cao tòa tuyên vô hiệu.

Theo các ngân hàng, Công văn số 02/TANDTC-PC là nguyên nhân khiến ngân hàng rất khó thu hồi tài sản đảm bảo, xử lý nợ.

Riêng tại Ngân hàng ACB, thời gian qua đã phát sinh hơn 100 vụ án có liên quan đến tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới, các bên tặng cho, tài sản thế chấp bán vi bằng cho người khác, tranh chấp hủy hợp đồng chuyển nhượng do chủ cũ vay tiền của chủ sở hữu mới…

Prudential chi hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/no-xau-kho-ban-tai-san-the-chap-co-nguy-co-bay-mau-190576.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nợ xấu khó bán, tài sản thế chấp có nguy cơ "bay màu"
POWERED BY ONECMS & INTECH