Nông dân sắp được vay vốn gấp 2-3 lần không cần thế chấp
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới, bà con sẽ được vay vốn cao gấp 2,3 lần mà không cần tài sản thế chấp.
Tại hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024, diễn ra sáng ngày 31/12 và do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đang tích cực sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Chính sách mới dự kiến sẽ tăng hạn mức tín dụng đối với các khoản vay tín chấp, mở ra cơ hội lớn cho nông dân phát triển sản xuất mà không cần tài sản thế chấp.
Tại hội nghị, nhiều nông dân đề xuất Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp, đặc biệt sau những thiệt hại nặng nề do bão Yagi.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết bão Yagi đã gây ảnh hưởng đến 126.000 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ hơn 192.000 tỷ đồng. Ngay sau khi bão xảy ra, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các tổ chức tín dụng để khoanh, giãn, hoãn nợ, đồng thời tổ chức hội nghị tìm giải pháp hỗ trợ vốn giúp người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất.
“Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc ngay. Sau 2 ngày xảy ra bão, chúng tôi chỉ đạo tổ chức tín dụng có biện pháp khoanh, giãn, hoãn nợ cho nông dân, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại sau bão. Trong thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức hội nghị để tìm ra giải pháp hỗ trợ vốn để nông dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả, khôi phục lại sản xuất”, ông Tú nói.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại hội nghị (Ảnh: VGP) |
Theo Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi Nghị định 55 để bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi tín dụng, như các hộ/doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn, đồng thời tăng hạn mức tín chấp lên gấp 2-3 lần.
“Trong thời gian tới, rất sớm thôi , chính sách sẽ được ban hành. Theo chính sách mới, bà con sẽ được vay vốn cao gấp 2,3 lần mà không cần tài sản thế chấp. Đối với các chương trình lớn như Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, bà con sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, được hưởng chính sách bảo hiểm nông nghiệp”, ông Tú chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững và đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế, cần có chính sách tín dụng và bảo hiểm phù hợp. Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân nhằm đảm bảo đầu vào, đầu ra và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10/2024, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt mức tăng trưởng 6,8% so với cuối năm 2023, chiếm 23,55% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Điều này phản ánh sự ưu tiên của Chính phủ đối với ngành nông nghiệp và những nỗ lực không ngừng nhằm hỗ trợ nông dân trong bối cảnh biến động khó lường của thiên tai và thị trường.
>> Ngân hàng 'về nhì', mức lương của ngành nào đang cao nhất Việt Nam?