Nóng: Mỹ đồng ý giảm thuế xuống còn 30%, chứng khoán Trung Quốc bùng nổ
Washington và Bắc Kinh đã bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng kể từ đầu tháng 4, khi Tổng thống Donald Trump nâng thuế lên hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng các mức thuế tương tự.
Mỹ - Trung hạ thuế
Chiều thứ 2, ngày 12/5 (theo giờ Việt Nam), Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý giảm thuế trong 90 ngày tới, đánh dấu một bước hạ nhiệt đáng kể trong cuộc chiến thuế quan - vốn đang đe dọa làm tê liệt hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cụ thể, theo một thỏa thuận đạt được tại Geneva, Mỹ sẽ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc cũng sẽ hạ mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ từ 125% xuống 10%.

Khi báo giới hỏi: "Liệu mức thuế 30% mà Mỹ công bố có áp dụng cho tất cả hàng hóa Trung Quốc hay không?". Ông Greer làm rõ rằng thỏa thuận vừa công bố chủ yếu đề cập đến các mức thuế tương hỗ áp đặt từ ngày 2/4 và các biện pháp đáp trả từ phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, các mức thuế khác vẫn còn hiệu lực, bao gồm: Thuế 20% áp dụng đầu năm nay đối với hàng hóa Trung Quốc liên quan đến fentanyl, vẫn được giữ nguyên. Các thuế ngành riêng biệt áp dụng trên phạm vi toàn cầu cũng không nằm trong phạm vi của thỏa thuận này.
Điều này đồng nghĩa với việc một số hàng hóa Trung Quốc vẫn sẽ phải chịu thuế cao hơn 30%. Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính Bessent khẳng định rằng các cuộc đàm phán với phía Trung Quốc đang diễn ra rất tích cực, cho thấy thiện chí tiếp tục tiến xa hơn trong việc tháo gỡ căng thẳng.
Thêm nữa, Mỹ và Trung Quốc đã xác định 5-6 ngành chiến lược cùng với các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, trong đó có các lĩnh vực quan trọng như dược phẩm và thép.
Theo ông Bessent, đây là những lĩnh vực mà Mỹ sẽ theo đuổi mục tiêu giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng vào Trung Quốc, thay vào đó là tìm kiếm nguồn cung đáng tin cậy từ các quốc gia đồng minh.
Trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy "tái cân bằng chiến lược" trong các lĩnh vực này, một phần trong nỗ lực dài hạn nhằm đảm bảo an ninh kinh tế và khả năng tự chủ trong những ngành then chốt.
Washington và Bắc Kinh đã bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng kể từ đầu tháng 4, khi Tổng thống Donald Trump nâng thuế lên hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng các mức thuế tương tự.
Các mức thuế trừng phạt này đã gây thiệt hại nặng nề cho thương mại song phương. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent thừa nhận hồi tháng trước rằng tình hình hiện tại là không thể duy trì lâu dài. Còn mới đây, ông phát biểu tại buổi họp báo: “Chúng tôi đã có những cuộc đàm phán rất hiệu quả”.
Một điểm đáng chú ý là ông Bessent cho biết không có cuộc thảo luận nào về vấn đề tiền tệ trong vòng đàm phán mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đây là điều gây bất ngờ, bởi đồng Nhân dân tệ lâu nay là một chủ đề nhạy cảm, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump – người nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh cố tình làm yếu đồng tiền của mình để thúc đẩy xuất khẩu.
Ông Tai Hui, Chiến lược gia trưởng thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại J.P. Morgan Asset Management, nhận định rằng mức độ cắt giảm thuế lần này giữa Mỹ và Trung Quốc là “lớn hơn dự kiến”, cho thấy cả hai bên đã thừa nhận thực tế rằng việc áp thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu và đàm phán là lựa chọn tốt hơn trong giai đoạn tới.
Dù cho rằng khoảng thời gian 90 ngày có thể không đủ để đạt một thỏa thuận chi tiết, ông Tai nhận định quãng thời gian này vẫn giúp duy trì áp lực lên tiến trình đàm phán. Ông cũng lưu ý thị trường vẫn chờ thêm thông tin cụ thể, đặc biệt về việc liệu Trung Quốc có nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đất hiếm hay không?
Thị trường phản ứng tích cực
Sau thông tin cắt giảm thuế quan, chứng khoán Trung Quốc duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, với chỉ số CSI 300 tăng 1,16%, kết phiên ở mức 3.890,60 điểm; chỉ số Hang Seng Index (HSI) tăng 2,7% và Hang Seng Tech vọt lên 4,5% - gần như xóa sạch những tổn thất do chiến tranh thương mại gây ra trước đó.
Hàng loạt mã cổ phiếu lớn ghi nhận mức tăng mạnh. Dẫn đầu là Alibaba tăng 6,7%, Tencent tăng 4,7%, Xpeng vọt 12%, Lenovo tăng 11% và BYD tăng 7,5%.
Chỉ số Nifty 50 tăng 3,25%, còn BSE Sensex tăng 3,12%, phản ánh sự hồi phục mạnh mẽ của tâm lý đầu tư. Các thị trường khác trong khu vực cũng đồng loạt tăng. Chỉ số Nikkei 225 tăng 0,38% lên 37.644,26 điểm, còn Topix nhích 0,31% lên 2.742,08 điểm.
Chỉ số Kospi tăng 1,17% lên 2.607,33 điểm, còn Kosdaq tăng nhẹ 0,4% lên 725,40 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 đóng cửa đi ngang tại 8.233,50 điểm.

Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 tăng tới 2,8%, trong khi Nasdaq 100 tương lai vọt lên 3,3%. Chỉ số ICE U.S. Dollar Index - thước đo sức mạnh của đồng USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt toàn cầu - đã tăng mạnh 1,3% lên mức 101,63 trong phiên giao dịch gần nhất.
Khác với sự phấn khích mạnh mẽ tại Mỹ và châu Á, thị trường chứng khoán châu Âu phản ứng một cách thận trọng hơn trước tin tức này. Chỉ số Stoxx 600 tăng khoảng 0,7%, với các ngành nhạy cảm với thương mại như khai khoáng, ô tô, hàng tiêu dùng và công nghệ dẫn dắt đà tăng.
>> Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á 'nợ ngập đầu', người dân dặn lòng phải thắt lưng buộc bụng
Apple tháo chạy, giá cước đảo chiều: Mỹ sắp đối mặt cơn địa chấn hậu thuế quan
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cảnh báo Washington về xung đột thuế quan