Vị tướng huyền thoại trong lịch sử Không quân nước nhà: 25 tuổi trở thành phi công Việt Nam bắn rơi nhiều máy bay nhất, vinh dự được tặng 9 huy hiệu Bác Hồ
Anh hùng này từng trực tiếp bắn hạ 9 máy bay địch, gồm 2 chiếc F-4, 5 chiếc F-105 và 2 máy bay không người lái.
Từ ước mơ trở thành “người giời”
Trung tướng Nguyễn Văn Cốc, sinh năm 1942 tại xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là một trong những phi công huyền thoại của Không quân Nhân dân Việt Nam. Tuổi thơ ông từng trải qua rất nhiều mất mát. Năm lên 4 tuổi, ông mất bố và chú ruột trong một vụ thảm sát do giặc Pháp gây ra tại quê nhà. Nỗi đau nối tiếp khi bà nội ông khóc thương con đến mù mắt và mất sau đó một năm. Mẹ ông đưa hai con đi sơ tán lên Thái Nguyên. Trong ký ức tuổi thơ, lần được mẹ gánh trên vai ngồi trong thúng khi chạy loạn là “chuyến bay” đầu đời của ông.
Lớn lên với những đêm dài ngước nhìn trời đếm sao để chờ ngày bố trở về, ông sớm mang trong mình giấc mơ bầu trời. Những lần thấy lính dù tập nhảy ở sân bay Chũ gần nhà đã thắp lên trong ông ước mơ trở thành “người giời”. Khi học lớp 8 tại trường Ngô Sĩ Liên (thị xã Bắc Giang), ông trúng tuyển sau nhiều vòng khám tuyển khắt khe để trở thành học viên phi công.

Năm 1961, ông nhập ngũ, huấn luyện tại sân bay Cát Bi rồi sang Liên Xô học lý thuyết và thực hành bay. Trong số 120 người tham gia huấn luyện, chỉ 23 người về nước đủ điều kiện làm phi công, và ông là một trong 17 người học lái máy bay MiG-17. Sau đó, ông được chọn học chuyển loại MiG-21 và chiến đấu tại Đoàn Không quân Sao Đỏ – nơi quy tụ những phi công lừng danh như Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Nhật Chiêu...
Đến phi công huyền thoại của Không quân Việt Nam
Khi mới 25 tuổi, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Cốc đã trở thành phi công bắn rơi nhiều máy bay địch nhất trong lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã trực tiếp bắn hạ 9 máy bay địch, gồm 2 chiếc F-4, 5 chiếc F-105 và 2 máy bay không người lái. Đây là thành tích cao nhất của một phi công tiêm kích Việt Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh.
Điểm đặc biệt trong chiến công của ông là sự xuất sắc ở vị trí số 2 trong đội hình bay – một vị trí vốn được quy định là chỉ làm nhiệm vụ yểm trợ cho phi công số 1. Tuy nhiên, với bản lĩnh, sự sáng tạo và tinh thần quyết đoán, ông đã tận dụng vị trí này để trở thành mũi nhọn tấn công hiệu quả. Trong 9 chiến công của ông, có tới 6 chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi khi ông đang giữ vai trò số 2. Điều này không chỉ cho thấy kỹ năng điêu luyện mà còn chứng minh ông là người tiên phong trong thay đổi tư duy chiến thuật tác chiến trên không. Không được giảng dạy trong bất kỳ học thuyết huấn luyện chính quy nào, cách đánh của ông đã nhanh chóng trở thành điển hình chiến đấu, được nghiên cứu, học tập và phổ biến rộng rãi trong toàn lực lượng Không quân.

Phi công Nguyễn Văn Cốc và đồng đội. Ảnh tư liệu.
Sự dũng cảm và tinh thần đổi mới của ông không chỉ được đồng đội và chỉ huy trong nước ghi nhận mà còn khiến cả các cựu phi công Mỹ từng trực tiếp tham chiến phải nể phục. Ngay cả các chuyên gia huấn luyện tại Liên Xô – nơi ông từng được đào tạo bài bản cũng đặc biệt đánh giá cao sự linh hoạt và khả năng ứng biến chiến thuật của ông trong thực chiến.
Năm 1969, khi mới 27 tuổi, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND với thành tích 9 lần lập công xuất sắc trên bầu trời, mang quân hàm đại úy và vinh dự nhận 9 huy hiệu Bác Hồ. Trong một lần dự Đại hội Anh hùng - Chiến sĩ thi đua Quân chủng Phòng không - Không quân năm 1969, ông đã được đích thân Bác Hồ bắt tay biểu dương và chúc cho “Quân chủng có nhiều Cốc hơn nữa”. Đó là một trong những khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông – một người lính trẻ đã bước lên đỉnh vinh quang bằng tài năng, trí tuệ và lòng quả cảm.

Trải qua nhiều năm công tác, ông lần lượt đảm nhiệm các cương vị trọng yếu trong lực lượng Không quân. Sau khi lập nên những chiến công vang dội, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 921. Sau đó, ông được phân công làm Phó sư đoàn trưởng, rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371. Đến tháng 8/1981, ông chuyển sang chỉ huy Sư đoàn Không quân 370, trước khi trở lại Sư đoàn 371 tiếp tục giữ cương vị Sư đoàn trưởng.
Bằng năng lực lãnh đạo và kinh nghiệm chiến đấu phong phú, ông tiếp tục được tin tưởng bổ nhiệm làm Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân vào năm 1988. Hai năm sau, tháng 8/1990, ông được giao trọng trách Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân. Đến tháng 6/1996, ông chính thức giữ cương vị quyền Tư lệnh Quân chủng – vị trí chỉ huy cao nhất của lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Cốc nghỉ hưu với quân hàm Trung tướng.
Tháng 12/1997, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng, và sau đó giữ chức Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng. Ông đảm nhiệm cương vị này cho đến năm 2002, khi chính thức nghỉ hưu với quân hàm Trung tướng.
Nguồn: Tổng hợp