Bà là nữ dân quân vác trên vai hai hòm đạn nặng 98kg chạy qua bờ đê để kịp thời cung cấp cho bộ đội bắn máy bay Mỹ.
Bà Ngô Thị Tuyển sinh năm 1946, quê xóm Khoáng, tiểu khu Nam Ngạn, Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà là một nữ dân quân tại khu vực Hàm Rồng.
Câu chuyện của bà gắn liền với hình ảnh cô gái 19 tuổi, vác hai hòm đạn nặng gần 100kg, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của quân và dân Hàm Rồng – Nam Ngạn trong ngày đối đầu với sức mạnh không lực Hoa Kỳ. Đây cũng là trận đánh đầu tiên mà cô dân quân thuộc tiểu khu Nam Ngạn tham gia.
Nữ dân quân vác trên vai gần 100kg
Ngược dòng thời gian quay về gần 60 năm trước, đế quốc Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay đến bắn phá ác liệt khu vực Nam Ngạn - Hàm Rồng nhằm cắt đứt “yết hầu” giao thông quan trọng để vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngày 4/4/1965, ngay sau khi vừa làm xong nhiệm vụ truy lùng bọn giặc lái Mỹ nhảy dù, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển gặp một chiếc tàu của hải quân ta yêu cầu dân quân giúp vận chuyển vỏ đạn lên bờ và tiếp tế đạn xuống tàu. Gặp phải hai hòm đạn đai sắt móc chặt vào nhau, anh em dùng thuổng bật ra để vác nhưng chưa được. Sợ chậm trễ ảnh hưởng đến chiến đấu, Ngô Thị Tuyển ghé vai vác luôn hai hòm đạn nặng 98kg vượt qua đê, chuyển ra bờ sông tiếp viện kịp thời cho anh em bộ đội chiến đấu.
“Lúc ấy bộ đội của ta chủ yếu ở bệ pháo trên đỉnh đồi hai đầu cầu. Tôi đã vác hai hòm đạn vượt qua bờ đê chuyển ra sông cho bộ đội. Lúc ấy tôi cũng không biết hai thùng đạn nặng 98kg. Mãi sau này các anh bộ đội nói tôi mới rõ. Chiến tranh mà, ai vác được bao nhiêu thì vác chứ ai cân đếm làm gì”, bà Tuyển kể lại.
Sự kiện một nữ dân quân chỉ nặng 42kg vác hai hòm đạn nặng gần 100kg nhằm tiếp tế cho bộ đội không phải ai cũng tin khi mới chỉ nghe kể. Hai tháng sau đó, các nhà báo nước ngoài tìm về Thanh Hóa gặp bà Tuyển. Họ đề nghị thao tác lại bằng cách vác trên vai một khối lượng tương đương với một đầu 50kg khoai và một đầu là 55kg gạo. Nếu làm được thì họ thực sự tin rằng quyết tâm giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc đã khiến nhân dân ta có được một sức mạnh phi thường. Và bà đã chứng minh không gì là không thể. Lúc đó, không chỉ mọi người trong xóm đều vui mà các phóng viên phương Tây cũng tung hô bà không ngớt.
Sau chiến thắng Hàm Rồng, bà vẫn tiếp tục công việc là Đội trưởng Đội rau muống của HTX Nam Ngạn lúc ấy. Công việc của bà là cấy rau xanh gánh lên các đơn vị bộ đội. Bà cũng là một trong những đồng chí được kết nạp Đảng ngay tại trận đánh ngày 26-5-1965.
Tròn 21 tuổi, bà Ngô Thị Tuyển được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Không riêng bà, nhân dân làng Nam Ngạn cũng lập nhiều thành tích, ngày cao điểm nhất bắn rơi 47 máy bay và bắt sống nhiều giặc lái.
Nỗi đau chôn giấu
Chuyện đời của bà Ngô Thị Tuyển cũng đặc biệt không kém. Bà và ông Bùi Xuân Thu tổ chức đám cưới vào hôm 28 tết năm 1966 thì ngay sau đó, ông nhận được lệnh sang Lào chiến đấu. Sau này, bà được bố trí gặp chồng trong ba ngày ở Xiêng Khoảng (Lào). Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi để rồi biền biệt 10 năm trời, không một tin tức. Khi có được thông tin về chồng cũng chính là tin buồn đau nhất trong cuộc đời: đồng chí Bùi Xuân Thu đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ở đường số 7.
Sau khi ông Thu hy sinh 10 năm thì bà đi thêm bước nữa với ông Nguyễn Văn Nụ (Đại tá quân đội về hưu). Đời sống vật chất của ông bà cũng khá ổn định bởi lương hưu cao, thi thoảng bà lại san sẻ một phần tặng học bổng cho một số học sinh nghèo vượt khó, học giỏi mỗi khi bà được mời đến trường học nói chuyện truyền thống cho học sinh.
Năm nay bà Ngô Thị Tuyển 78 tuổi, cái tuổi lẽ ra phải lên chức bà. Thế nhưng, những năm tháng chiến tranh ác liệt, bà đã đem cả sức trẻ của tuổi thanh xuân dấn thân nơi chiến trường, tải đạn diệt thù, để rồi khi trở về với cuộc sống đời thường, hạnh phúc lại chẳng nở hoa. Đó thực sự là một thiệt thòi lớn của người phụ nữ kiên cường này.
Nói về chuyện riêng tư, bà tâm sự: “Ngày con gái tất cả vì tiền tuyến chứ ai biết tương lai sẽ ra răng. Nhiều người cũng như bác thôi mà. Trở về sau chiến tranh không lấy chồng vì quá lứa lỡ thì. Bác không có con vì người chồng bác nhiễm chất độc da cam/dioxin”. Sau đó, bà Tuyển đã bàn với chồng xin đứa cháu họ về nhận làm con nuôi.
Bà cũng nói thêm: ““Chiến tranh ai chả có đau thương, mất mát. Những ai từng trải qua cuộc chiến, từng đối mặt với làn mưa bom bão đạn đều hiểu giá trị của sự sống, rằng được trở về lành lặn, được sống yên bình là một món quà lớn nhất rồi, có gì để đòi hỏi hơn nữa”.
Tham khảo:
- Nữ anh hùng và cây cầu huyền thoại - Báo điện tử VOV (10/04/2010)
- Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển và một thời khói lửa - Văn hóa và Đời sống (07/04/2023)