Nữ Giáo sư kéo cờ Tổ quốc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập: Bí danh lấy cảm hứng từ vĩ nhân lịch sử, sau này là Viện trưởng Viện Triết học
Vị nữ Giáo sư nhận được vinh dự trong giờ phút thiêng liêng và trọng đại ấy khi đó mới chỉ là một thiếu nữ tuổi đôi mươi…
Sinh năm 1926, bà từng là Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia. Với cuộc đời cống hiến không ngừng nghỉ, bà đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là khi bà là người vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945, đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ tuổi trẻ cách mạng đến người kéo cờ trong ngày Tuyên ngôn Độc lập
Giáo sư Dương Thị Thoa sinh ra trong một gia đình trí thức nổi tiếng. Bố của bà là Dương Quảng Hàm, một nhà giáo nổi tiếng và liệt sĩ, từng là hiệu trưởng của Trường Bưởi. Từ nhỏ, bà đã được cha mẹ mong muốn theo nghề giáo, nối nghiệp gia đình. Tuy nhiên, với lý tưởng yêu nước mãnh liệt, bà đã quyết định trốn nhà, tham gia vào hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa. Năm 1945, bà trở thành một thành viên tích cực của Hội Phụ nữ Cứu quốc và lấy bí danh Lê Thi để hoạt động bí mật.
Sinh thời, giáo sư Dương Thị Thoa từng tiết lộ, bà thích họ Lê của vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ), nên quyết định ghép với tên Thi - một người bạn thân của bà, để tạo nên bí danh Lê Thi, sử dụng trong quá trình hoạt động cách mạng.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, khi hàng vạn người dân đang chờ đợi sự kiện trọng đại, một cán bộ từ Ban tổ chức tìm đến đoàn Phụ nữ Cứu quốc và yêu cầu cử một người đại diện lên kéo cờ. Mọi người đồng thanh hô vang: "Lê Thi lên đi!" Bà Dương Thị Thoa đĩnh đạc tiến về phía cột cờ, lúc ấy đã có một người phụ nữ Tày đứng đợi sẵn. Người phụ nữ ấy chính là bà Đàm Thị Loan, người sau này trở thành phu nhân của cố Đại tướng Hoàng Văn Thái. Cùng với bà Loan, Giáo sư Thoa đã từ từ kéo lá cờ đỏ sao vàng trong tiếng nhạc Tiến quân ca ngân vang, dưới ánh nắng rực rỡ của ngày mùa thu lịch sử.
Nói về sự kiện kéo cờ vào ngày đặc biệt, bà Thi cho biết: “Việc tôi được chọn kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập là hoàn toàn ngẫu nhiên, không hề được báo trước. Đang đứng trong hàng, có người nói: “Các cô cử một người lên kéo cờ”. Tôi đang đứng ở ngay đầu hàng, các đồng chí trong hàng đều nói: “Thi lên đi”. Thực sự, lúc đó tôi sợ lắm, tự nhiên nói lên kéo cờ là lên, chẳng được báo trước gì cả! Đang lưỡng lự thì trên gọi, dưới thúc, nên tôi “liều” bước lên”.
“Tiếng hát của bài Quốc ca vang lên và lá cờ Tổ quốc cũng từ từ được kéo lên trong tiếng Quốc ca của hàng vạn người có mặt tại Quảng trường. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình.
Khi lá cờ lên tới đỉnh cao, tung bay lồng lộng trong cơn gió mùa thu và nắng tháng Tám, cũng là lúc chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vui sướng. Nước mắt bỗng ứa ra vì xúc động xen lẫn tự hào”, bà Thi từng hồi tưởng.
Hành trình hoạt động cách mạng và sự cống hiến không ngừng nghỉ
Sau sự kiện lịch sử ngày 2/9/1945, Giáo sư Dương Thị Thoa cùng Đoàn Phụ nữ Cứu quốc tiếp tục hoạt động mạnh mẽ. Bà đi khắp nơi quyên góp gạo và nhu yếu phẩm phân phát cho người nghèo, dạy chữ quốc ngữ cho công nhân. Đến năm 1946, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà tham gia vào đội cảm tử quân thuộc Trung đoàn Thủ đô, chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội. Sau đó, bà rút khỏi nội thành, lên chiến khu Việt Bắc và tiếp tục làm công tác phụ nữ, dù phải chịu đựng điều kiện khó khăn của vùng núi, trèo đèo, lội suối.
Năm 1950, bà trở lại Hà Nội và hoạt động bí mật. Đến năm 1957, bà được gửi đi học lớp chính trị cao cấp đầu tiên tại Trường Nguyễn Ái Quốc, sau đó trở thành giảng viên và nhà nghiên cứu tại trường. Trong suốt cuộc đời công tác, bà đã làm Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam, đóng góp nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là về bình đẳng giới. Bà đã tổ chức nhiều chương trình thu hút đông đảo phụ nữ tham gia và được vinh dự trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Ba.
Dù là một nhà khoa học nổi tiếng, bà Dương Thị Thoa vẫn có cuộc sống giản dị, đầm ấm bên gia đình. Chồng bà, ông Lê Hồng Hà, cũng là một nhân vật tham gia vào sự kiện lịch sử ngày 2/9/1945. Khi đó, ông là người vác súng, đứng bảo vệ dưới chân cột cờ. Mãi sau này, hai người mới gặp gỡ lại và nảy sinh tình cảm, xây dựng nên một mái ấm gia đình hạnh phúc.
Bà sống tại căn nhà nhỏ trên phố Ngô Quyền, Hà Nội, nơi chất đầy những kỷ vật của một thời tuổi trẻ và cách mạng. Trong căn phòng ấm cúng chừng 20m2, Giáo sư Thoa vẫn thường xuyên tiếp đón các phóng viên và nhiều thế hệ con cháu, để kể về những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời, về ngày độc lập, về lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trong ngày mùa thu ấy. Những năm cuối đời, bà vẫn sống đầm ấm bên gia đình cho đến khi qua đời vào ngày 28/8/2020, hưởng thọ 95 tuổi.
Đám tang của Giáo sư Dương Thị Thoa được tổ chức trang trọng tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, nơi bạn bè, người thân và những đồng chí, đồng đội đến tiễn đưa bà lần cuối. Sau đó, thi hài của bà được đưa về an táng tại nghĩa trang xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
*Tổng hợp