Bà Diane Hendricks có 1 cuộc đời phi thường: xuất thân nông thôn, có con ở tuổi 17 và từng phải làm ở Playboy để kiếm sống, 2 lần đánh bại căn bệnh ung thư nhưng đã trở thành nữ doanh nhân thành công nhất nước Mỹ.
Tuần này, tạp chí Forbes công bố danh sách những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ. Vị trí đầu bảng thuộc về bà Diane Hendricks - nhà sáng lập, CEO của Tập đoàn vật liệu xây dựng ABC Supply, người đã giữ vị trí này liên tục trong 7 năm qua.
Bà cùng người chồng quá cố Ken Hendricks thành lập công ty vào năm 1982. Tới nay giá trị tài sản ròng của ABC Supply ước tính đạt 20,9 tỷ USD.
Nữ doanh nhân sinh năm 1947 cho biết vợ chồng bà thành lập công ty sau khi nhận ra rằng có rất ít cửa hàng phân phối vật liệu lợp mái đến từ tất cả các nhà sản xuất khác nhau. Những người thợ lợp mái những năm 70, 80 của thế kỷ trước ở Mỹ thường mua trực tiếp từ các nhà sản xuất riêng lẻ, "khóa" người tiêu dùng vào một hệ sinh thái của riêng họ và cho phép các nhà sản xuất hét giá cao để ăn chia hoa hồng.
Bà Diane Hendricks bên cạnh phi cơ riêng |
Và thế là vợ chồng Hendricks đã vay 900.000 USD từ Ngân hàng Tiết kiệm Beloit và thế chấp tất cả tài sản, kể cả căn nhà đang ở, để bắt tay vào xây dựng mọi thứ từ con số 0. Theo trang web của công ty , trong vòng 5 năm, ABC Supply đã có 50 cửa hàng và lần đầu tiên mang lại doanh thu 1 tỷ USD vào năm 1998.
Hendricks cho biết, bí quyết thành công của họ là lấp đầy khoảng trống trên thị trường và nâng cao tiêu chuẩn về sự tôn trọng và tính chuyên nghiệp trong hợp đồng.
“Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là xây dựng một công ty có thể giúp đỡ khách hàng, từ những người lái xe bán tải đến người xây nhà, đồng thời cung cấp dịch vụ và sự tôn trọng cho mọi người", bà Hendricks cho biết. Hiện nay, công ty đã có hơn 900 điểm bán hàng trên toàn nước Mỹ, đặt trụ sở tại bang Wisconsin.
Nghị lực phi thường và tình yêu công việc
Bà Hendricks có một tuổi thơ bình dị tại trang trại bò sữa của gia đình bà ở thị trấn nông thôn Osseo, Wisconsin, với dân số chỉ 1800 người. Là con thứ tư trong chín cô con gái, Hendricks từ nhỏ làm rất nhiều việc nhà, gồm cả chăm sóc các em gái, không làm việc đồng áng hay lái máy kéo, bởi theo quan niệm địa phương khi ấy, đó là những “công việc của đàn ông”.
Đến năm 10 tuổi, Hendricks đã nhận biết rằng mình có một ước mơ to lớn một cuộc đời ở nông trại. “Tôi không muốn thành nông dân và tôi không muốn lấy nông dân làm chồng,” bà nhớ lại “Tôi muốn một công việc công sở ở thành phố lớn Minneapolis, nơi gần gia đình tôi nhất”.
Tuy vậy, bà phải tạm gác lại những giấc mơ đó khi vào năm 1964, bà có con ở tuổi 17 và bị buộc thôi học. Cuộc hôn nhân đầu tiên không mấy hạnh phúc khi bà ly hôn người chồng đầu tiên chỉ 3 năm sau đó. Hoàn cảnh ngặt nghèo khiến bà mẹ đơn thân phải nhận công việc làm Playboy Bunny (nhân viên phục vụ đeo tai thỏ) tại câu lạc bộ Playboy địa phương. Nhớ lại quãng thời gian đó, bà Hendricks cho rằng mình “phải làm tất cả những gì cần làm để có thể sống”.
Với số tiền kiếm được và tiết kiệm, không lâu sau, bà Hendricks đã trở thành một người buôn bán bất động sản khắp miền Nam Wisconsin. Qua công việc này, ở tuổi 22, bà đã gặp nhà thầu lợp mái Ken Hendricks - người chồng sau này sẽ cùng bà biến giấc mơ Mỹ thành hiện thực. Hai người kết hôn vào năm 1976, mua lại hơn 200 ngôi nhà cũ, sửa sang lại và cho sinh viên đại học thuê. Đến năm 1982, hai người đánh cược tất cả tài sản và vay ngân hàng 900.000 USD để mở công ty ABC Supply, và phần còn lại là lịch sử.
Nhưng rồi sóng gió ập đến với gia đình và sự nghiệp của bà Hendricks, theo cả nghĩa đen. Cuối năm 2007, chồng bà - ông Ken Hendricks gặp một tai nạn khi đang trèo lên kiểm tra mái nhà giữa lúc gió lớn và không qua khỏi.
Sau sự ra đi của chồng, nhiều người cho rằng bà Hendricks sẽ rời khỏi lĩnh vực kinh doanh. Thậm chí có một đối thủ đề nghị mua lại công ty. “Họ chỉ nghĩ rằng vì tôi là một phụ nữ nên tôi sẽ bán công ty vì không thể tiếp tục điều hành” Hendricks nói. Thay vào đó, bà đề nghị David Luck, cựu Giám đốc điều hành của Bridgestone, trở thành CEO và tự bổ nhiệm mình làm Chủ tịch.
Đây không chỉ là một thời điểm khó khăn về cuộc sống cá nhân, doanh số của công ty giảm 7% từ năm 2006 đến năm 2009 do khủng hoảng tài chính bất động sản. Tập đoàn ABC lần đầu tiên phải đóng cửa các cửa hàng.
Tuy nhiên, giữa tình trạng hỗn loạn, người phụ nữ kiên cường đó vẫn thấy được cơ hội. Tận dụng việc giá cả giảm mạnh, bà tiến hành thương vụ mua lại lớn nhất của ABC, mua đối thủ Bradco với doanh số 1,6 tỷ USD vào năm 2010. Sáu năm sau, bà tiếp tục trả 674 triệu USD để mua lại L&W Supply có trụ sở tại Chicago.
Konya Hendricks-Schuh, một trong bảy người con của bà (trong đó có bốn con riêng), cho biết: “Bà và cha tôi (ông Ken Hendricks) đam mê cải tổ các công ty đang thất bại, nên họ đã mua nhiều công ty đang đứng trên bờ vực phá sản.”
Bà Hendricks bên cạnh công trình kỷ niệm hình quốc kỳ nước Mỹ do bà tài trợ xây dựng |
Trong những năm sau đó, Hendricks đã chứng minh cho thế giới rằng di sản của bà còn vượt xa tầm một doanh nghiệp tấm lợp mái. Dưới tên của mình và người chồng quá cố, bà Hendricks đã chi 85 triệu USD để tái phát triển một khu phức hợp kinh doanh cho hơn 40 các doanh nghiệp địa phương, phòng thương mại của ngân hàng Beloit và tạo ra việc làm cho gần 2000 người.
Sau khi chiến thắng bệnh ung thư 2 lần - bà bị ung thư tử cung năm 33 tuổi và ung thư vú ở tuổi 69 - vị nứ tướng tài ba của ABC Supply cũng đang điều hành công ty nghiên cứu y tế NorthStar Medical Radioisotopes, sử dụng y học hạt nhân và đồng vị phóng xạ để phát hiện và điều trị một số dạng ung thư và bệnh tim. Bà đầu tư 550 triệu USD vào công ty chỉ có doanh thu 10 triệu USD/ năm nhưng vẫn không bỏ cuộc và tin vào giá trị thực sự mang lại cho cộng đồng.
Là một người yêu nước nồng nhiệt, “Mang đến Giấc mơ Mỹ từ năm 1982” là khẩu hiệu được vợ chồng bà Hendricks đặt tại phòng khách trụ sở của công ty ABC Supply, và “Niềm tự hào của người Mỹ” là một trong bảy giá trị cốt lõi của công ty. Một video bài quốc ca God Bless the USA của ca sĩ nhạc đồng quê Lee Greenwood được chiếu và trình diễn tại mọi sự kiện của công ty.
Ở tuổi 77, bà Hendricks vẫn say mê công việc và lan rộng tầm ảnh hưởng trên mọi lĩnh vực: từ chính trị quốc gia và tạo việc làm đến nghiên cứu ung thư và cải cách trường học công. “Mọi người đều biết tôi là người bảo thủ”, bà Hendricks nói vui sau khi phóng viên của Forbes hỏi bà về khoản tài trợ hơn 40 triệu USD kể từ năm 1992 cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong những chiến dịch tranh cử.
Hendricks cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay là không có nhiều người đánh giá cao công việc của mình. “Người ta từng xem công việc là một món quà. Có 1 thuở mà người Mỹ từng thấy tự hào về công việc của họ”, bà trầm ngâm nói. “Tôi già rồi và vẫn đi làm vì tôi vẫn còn suy nghĩ được. Công việc cho tôi mục đích sống”.
>> Nữ tỷ phú tự thân từng làm phóng viên đến khối tài sản hơn 10 tỷ USD
Ảm đạm thị trường vật liệu xây dựng
AI và làm việc từ xa giải cứu 'giấc mơ Mỹ', các startup sống lại giữa nguy cơ đình lạm