Ông Hoàng Nam Tiến - người nổi tiếng với những câu nói và lời khuyên gây "bão" cho giới trẻ vừa thông báo thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Telecom.
Mới đây, Tập đoàn FPT Telecom vừa thực hiện việc quy hoạch và luân chuyển cán bộ cấp cao nhằm tạo trải nghiệm đa dạng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về nguồn lực quản lý.
Theo đó, ông Hoàng Nam Tiến sẽ thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT FPT Telecom để đảm nhiệm vị trí mới tại FPT Education. Kể từ ngày 25/4/2023, ông Hoàng Nam Tiến sẽ đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, phụ trách hoạt động của Viện Quản trị và Công nghệ FSB. Sau nhiệm kỳ 3 năm làm việc tại FPT Telecom, ông Tiến được kỳ vọng sẽ giúp Tổ chức Giáo dục FPT có bước phát triển mới trong tương lai.
Trong ngày 25/4, FPT Telecom cũng đã công bố các nghị quyết của Hội đồng Quản trị về việc bầu nhân sự đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Được biết, ông Hoàng Nam Tiến gia nhập Tập đoàn FPT từ năm 1993. Tại đây, ông Tiến đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo tại như Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT (2012 - 2020), Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển khu công nghệ cao Hoà Lạc FPT (2007 -2012) , Tổng giám đốc Công ty TNHH Phân phối FPT (2003 - 2008).
Cựu Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến là một người nổi tiếng với những câu nói và lời khuyên ăn sâu vào tâm trí của nhiều người, đặc biệt là với những người thuộc thế hệ Gen Z (những người sinh ra trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2012).
Học hỏi bí quyết thành công, chia sẻ kinh nghiệm của những người đi trước là chuyện mà người trẻ nào cũng nên làm. Song, không phải quan điểm nào của "sếp lớn" cũng nhận về sự đồng tình của mọi người, ngược lại có khi còn gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Những phát ngôn "gây war" của ông Hoàng nam Tiến
Trong một chương trình về kinh doanh hồi tháng 5/2022, ông Tiến thẳng thắn chia sẻ về giá trị của tấm bằng đại học hiện nay. Cụ thể, khi trao đổi với một ứng viên có bằng cao đẳng, ông Tiến cho biết: "Nơi tôi đang làm việc có 29% cán bộ, chuyên gia, quản lý, giám đốc có trình độ Cao đẳng. Như vậy, bằng cấp không quan trọng, quan trọng là năng lực của bạn và khả năng tự học đến đâu".
Chia sẻ của cựu Chủ tịch của Tập đoàn FPT Telecom đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của netizen. Trước quan điểm của ông Tiến, nhiều ý kiến trái chiều đã nhanh chóng bùng nổ, chia ra 2 phe tranh cãi.
Một nửa ý kiến cho rằng, quan điểm của cựu Sếp FPT có phần đúng. Nhiều ý kiến cho rằng tấm bằng chỉ là bước đệm đầu tiên để tìm việc làm, nhưng nó không phải yếu tố duy nhất quyết định chất lượng công việc.
Tuy nhiên, trên thực tế, câu chuyện hàng trăm cử nhân tốt nghiệp từ những trường Đại học hàng đầu nhưng rơi vào tình trạng thất nghiệp cũng là minh chứng cho giá trị tấm bằng đại học đang ngày càng "rớt giá".
Ông Tiến chia sẻ thêm, công ty cần tìm người kiếm lợi nhuận cho họ, chứ không phải một "bình hoa" bước ra từ các trường top đầu, rồi chỉ để dán tấm bằng lên tường. Có những người đi làm văn phòng mà sau 5 năm lương vẫn 12 triệu đồng/tháng thì cũng nên xem xét lại các bạn bước ra từ những trường Cao đẳng.
Có không ít ý kiến cho rằng, sở hữu tấm bằng đại học vẫn là con đường ngắn nhất để đạt tới thành công. Môi trường đại học không chỉ được trau dồi kiến thức chuyên môn mà còn được trao rất nhiều cơ hội khác như mở rộng mối quan hệ trong ngành, phát triển kỹ năng mềm.... Tấm bằng đại học còn trở nên quan trọng hơn khi các nhà tuyển dụng ngày càng đòi hỏi yêu cầu cao về bằng cấp.
Từng xất hiện trong chương trình “Whose Chance? – Cơ hội cho ai” hồi tháng 8/2023, với tư cách là một trong những vị sếp quyền lực trao cơ hội việc làm cho các ứng viên, không ít lần cựu lãnh đạo FPT Telecom đã đưa ra những lời khuyên bổ ích và truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ về tinh thần học hỏi, khởi nghiệp và làm giàu.
Sếp Hoàng Nam Tiến đã chỉ ra 3 cái "thiếu" ở trường đại học và khuyên các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường nên tự trau dồi cho bản thân vì đây là những yếu tố quan trọng góp phần quyết định thành công trong tương lai. Theo đó, 3 điều mà lãnh đạo FPT Telecom nhắc tới đó là khả năng tự học, thể lực và khả năng tư duy, phản biện.
Ông Tiến cho rằng, một trong những điều quan trọng nhất của các trường đại học là dạy cho sinh viên khả năng tự học để học tập suốt đời. Ông nhận định: "Muốn sống sót trong thời đại hiện nay, chúng ta phải học tập suốt đời."
Qua những chia sẻ trên, có thể thấy ông không đưa ra lời khuyên mà chỉ chia sẻ với tư cách một người đã thành công. Bằng tầm nhìn của bản thân, ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập trong mối quan hệ với sự thành công. Trong buổi Livestream với chủ đề "Học tập suốt đời thời công nghệ số", Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến đã có những chia sẻ với cộng đồng doanh nhân:
"Việc học không chỉ kết thúc sau khi rời ghế nhà trường. Mà cần phải học liên tục để nâng cao tay nghề, học để mưu sinh, học thêm để thỏa mãn ước mơ của bản thân của gia đình, học để giải thoát bản thân, nhưng quan trọng nhất là học để tìm ra được phiên bản tốt nhất cho chính mình."
Giới trẻ ngày nay thường hay được khuyên rằng: “Cứ theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Vậy mà có nhiều người luôn sống theo cái gọi là đam mê nhưng thành công thì không thấy đâu mà thất bại thì hết lần này đến lần khác. Phải chăng sống theo đam mê là sai?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Hoàng Nam Tiến cũng từng đưa ra lời khuyên chân thành cho các bạn trẻ mới ra trường: "Mới ra trường, còn trẻ thì hãy cố gắng làm những gì ra tiền, thật nhiều tiền, rồi mới làm việc mình thích. Nếu bây giờ làm việc mình thích trước, về cơ bản thì không ra tiền đâu".
Với những chia sẻ "thẳng và thật", lời khuyên này của sếp lớn FPT Telecom được nhiều người đồng tình. Nhiều bình luận cho rằng, trong chia sẻ của ông có nhiều yếu tố và cái nhìn sâu sắc, được đúc kết từ những trải nghiệm trong cuộc sống từ một vị lãnh đạo tập đoàn lớn.
Cũng liên quan về vấn đề việc làm, ông Hoàng Nam Tiến từng gây xôn xao dư luận khi nói rằng cảm thấy xấu hổ khi gặp các bạn trẻ làm việc 20 giờ/ngày".
Cụ thể, ông đã chia sẻ: "Tôi rất tự hào có thể làm việc 12, 14, 16 giờ/ngày, không có thứ 7, Chủ Nhật, từ năm này qua năm khác. Nhưng tôi vẫn cảm thấy xấu hổ khi gặp các bạn trẻ làm việc 20 giờ/ngày".
Một nửa ý kiến cho rằng, quan điểm của cựu Chủ tịch FPT có phần đúng. Nếu muốn thăng tiến trong sự nghiệp và gặt hái được thành công, công sức bỏ ra phải thật xứng đáng - “phải có làm thì mới có ăn”. Tuổi trẻ có nhiều nhất là hoài bão và thời gian, không tận dụng bây giờ thì chờ đến lúc nào.
Ngược lại, có nhiều ý kiến cho rằng, không phải cứ nhiều quá là tốt. Cần phải biết phân chia thời gian cho công việc và bản thân, bởi thời gian lãng phí rồi khó mà lấy lại được. Thứ quan trọng nhất trong công việc là năng suất và tính logic, chứ không phải cứ bỏ thời gian nhiều sẽ nhận được kết quả ngọt.
Có thể thấy, cựu Chủ tịch FPT Telecom đã ghi dấu ấn nhờ những chia sẻ thiết thực về giá trị của hạnh phúc, đồng tiền và sự thành công; viết lại định nghĩa về công việc và cuộc sống giữa thế hệ của ông và thế hệ Gen Z.
Cùng với việc được tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch FPT Telecom thay cho ông Hoàng Nam Tiến, ông Hoàng Việt Anh hiện đảm nhiệm vị trí Phó TGĐ Tập đoàn FPT, phụ trách Chuyển đổi số kiêm nhiệm Chủ tịch FPT Digital.
Ông Hoàng Việt Anh được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT FPT Telecom nhiệm kỳ 2023 – 2028. Tân Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Việt Anh được biết đến là người có năng lực quản trị và gắn kết đội ngũ mạnh mẽ. Ông Hoàng Việt Anh có hơn 5 năm gắn bó với FPT Telecom trong vai trò Tổng Giám đốc và có nhiều đóng góp cho sự lớn mạnh của công ty giai đoạn 2018 – 2023.
FPT Telecom cũng công bố việc bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Linh vào vị trí Tổng Giám đốc. Tân Tổng Giám đốc FPT Telecom Nguyễn Hoàng Linh là nhà điều hành dày dạn kinh nghiệm với chuyên môn sâu rộng về hoạt động kinh doanh.
Ông Linh đã có hơn 15 năm gắn bó với FPT Telecom, trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau từ tài chính, truyền hình. Gần nhất, ông Nguyễn Hoàng Linh đảm nhận vai trò quản lý toàn bộ khối kinh doanh khách hàng phổ thông (mass) và dịch vụ khách hàng của FPT Telecom.