'Ông lớn' Aeon Mall, Central Retail 'đổ bộ', biến loạt đô thị nhỏ tại Việt Nam thành điểm bán lẻ sôi động
Bên cạnh 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, các đô thị nhỏ tại Việt Nam giờ đây cũng là điểm đến đầy hứa hẹn để các doanh nghiệp bán lẻ lớn 'dừng chân'.
Đô thị nhỏ tại Việt Nam trở thành điểm đến của các 'ông lớn' bán lẻ
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5 vừa qua, ông Akio Yoshida - Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON, cho biết Việt Nam là quốc gia mà AEON đầu tư lớn nhất trên thế giới, với tổng vốn đầu tư hơn 1,18 tỷ USD. Hiện tập đoàn này đã mở 6 trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng... Đặc biệt, trong tháng 9, trung tâm thương mại AEON Mall tại Thừa Thiên Huế đã chính thức khai trương, trở thành trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp lớn nhất miền Trung.
Trong thời gian tới, AEON dự kiến sẽ tiếp tục triển khai các dự án lớn tại Thanh Hóa, Bình Dương, Quảng Ninh, với tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng cho mỗi dự án.
Không chỉ AEON, Central Retail cũng đã và đang mở rộng mạng lưới của mình tại Việt Nam. Tập đoàn này đã khởi công dự án trung tâm thương mại GO! tại Hưng Yên và đưa vào hoạt động GO! Hà Nam. Mới đây, vào đầu tháng 10, Central Retail đã khởi công dự án Trung tâm thương mại GO! Yên Bái. Dự án có tổng diện tích khoảng 12.717m², gồm các hạng mục như siêu thị, khu dịch vụ ăn uống, khu vui chơi giải trí, văn phòng điều hành, khu lưu trữ lạnh và các hạng mục phụ trợ như vườn hoa, bãi đỗ xe... Dự án có vốn đầu tư trên 223 tỷ đồng, với mật độ xây dựng tối đa 60% và chiều cao tối đa 4 tầng.
Triển vọng đầu tư của các 'ông lớn' bán lẻ tại Việt Nam
Theo phân tích của Savills, Việt Nam có tiềm năng tiêu dùng cao trong khu vực. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam tăng 8,7%. Đáng chú ý, thị trường tiêu thụ không chỉ tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM mà đã mở rộng sang các tỉnh thành lân cận với mật độ dân số cao.
Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills TP. HCM, cho biết: "Các chủ đầu tư trong nước có lợi thế về sự hiểu biết người tiêu dùng và quỹ đất hiện có. Trong khi đó, các chủ đầu tư nước ngoài như AEON, Central Retail lại có kinh nghiệm lâu năm trong thị trường khu vực, giữ được uy tín và chiến lược đầu tư mạnh mẽ khi bước vào thị trường Việt Nam".
>> Aeon Mall đã hủy dự án trung tâm thương mại thứ ba tại Hà Nội
Bà Hồng An nhấn mạnh thêm, trong lĩnh vực bán lẻ, uy tín và kinh nghiệm là yếu tố quyết định thành công trong việc phát triển và vận hành. Các nhà đầu tư trong nước có lợi thế về quỹ đất hiện hữu, giúp họ đảm bảo sự bao phủ rộng khắp trong thị trường bán lẻ.
Bên cạnh những tiềm năng phát triển hấp dẫn, các nhà phát triển trung tâm thương mại cần chú ý đến yếu tố ổn định trong môi trường bán lẻ còn nhiều biến động. "Khó khăn lớn nhất trong việc phát triển và vận hành các trung tâm thương mại quy mô lớn chính là tầm nhìn chiến lược dài hạn. Điều này không chỉ phụ thuộc vào kế hoạch ban đầu mà còn đòi hỏi chiến lược marketing, chiến lược cho thuê hiệu quả", bà Hồng An chia sẻ.
Sự nhất quán trong chiến lược phát triển và marketing sẽ giúp chủ đầu tư xây dựng một hệ thống kinh doanh mặt bằng bán lẻ bền vững. "Các nhà bán lẻ chuyên nghiệp, khi có các chuỗi kinh doanh thương mại khác nhau, sẽ tạo ra cách vận hành đặc thù và ổn định. Điều này tạo sự tin tưởng cho các nhà bán lẻ khi tham gia kinh doanh tại các trung tâm thương mại, đồng thời thu hút được khách hàng trung thành", bà An phân tích.
Theo nghiên cứu của Savills, ngành hàng tại các trung tâm thương mại cũng đang có sự dịch chuyển để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Cụ thể, tỷ trọng ngành hàng ăn uống đang có xu hướng gia tăng, trong khi ngành hàng thời trang và bán lẻ truyền thống lại có xu hướng giảm.
>> Hé lộ vị trí xây dựng tòa nhà cao thứ ba Hà Nội, quy mô gần 24.000m2
Danh tính 3 nữ doanh nhân đứng sau dự án Aeon Mall Hải Dương trị giá 51 triệu USD chuẩn bị khởi công
Aeon sắp khởi công TTTM tại tỉnh duy nhất nằm ở Vùng Thủ đô nhưng không liền kề Thủ đô