‘Ông lớn’ địa ốc thế chấp loạt bất động sản TP HCM tại ngân hàng, nợ vay vượt vốn chủ sở hữu
Doanh nghiệp dùng quyền sử dụng đất tại nhiều khu vực như Tân Phú, Long An, và Quận 7, TP HCM để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay tại BIDV, CTG, OCB.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 vừa công bố, mức nợ vay của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (SCR) tại thời điểm 30/6/2024 đã vượt vốn chủ sở hữu Cụ thể, tổng nợ phải trả của công ty lên tới hơn 5.744 tỷ đồng, với nợ ngắn hạn chiếm phần lớn (hơn 4.232 tỷ đồng), chủ yếu là nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (hơn 1.892 tỷ đồng). Nợ dài hạn cũng ghi nhận trên 1.511 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt hơn 5.123 tỷ đồng.
Nguồn: SCR |
Tổng số tiền vay từ các ngân hàng (BIDV, VietinBank, và OCB,…) lên đến hơn hơn 1.545 tỷ đồng. TTC Land đã sử dụng nhiều hình thức đảm bảo để vay nợ, bao gồm tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng và quyền sử dụng đất tại nhiều khu vực như Tân Phú, Long An, và Quận 7, TP HCM. Ngoài ra, Công ty vay tín chấp ngắn hạn từ các tổ chức và cá nhân với tổng số tiền trên 1.187 tỷ đồng với lãi suất dao động từ 7% - 13%/năm.
Năm 2024, SCR đang triển khai 8 dự án, trong đó có 5 dự án tại TP HCM và 2 dự án nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. Với tình hình tài chính hiện tại của TTC Land có thể thấy SCR đang gặp khó khăn trong việc cân đối tài chính và triển khai các dự án.
Một trong những dự án lớn của TTC Land là Panomax River Villa, đã được cấp giấy phép xây dựng từ năm 2019, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Dự án Charmington Iris cũng gặp nhiều khó khăn pháp lý, khiến việc triển khai trở nên chậm trễ. Bên cạnh đó, các dự án nghỉ dưỡng như TTC Plaza tại Đà Nẵng và Selavia tại Phú Quốc cũng không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Việc sử dụng tài sản làm thế chấp để vay nợ có thể khiến công ty gặp rủi ro nếu không hoàn thành nghĩa vụ với ngân hàng.
Theo quy định tại Điều 93 Luật Nhà ở 2005 được hướng dẫn bởi Điều 63 NĐ 90/2006 NĐ-CP, trường hợp chủ đầu tư đã dùng toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thế chấp tại ngân hàng thì trong thời gian thế chấp, bất động sản này không được phép tham gia vào bất kỳ giao dịch nào khác, trừ trường hợp có sự thỏa thuận đồng ý của các bên liên quan. Việc chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ đối với ngân hàng, chưa xóa thế chấp mà đã mang tài sản thế chấp đi bán cho khách hàng thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư, các hợp đồng mua bán này có thể bị tuyên bố vô hiệu nếu có tranh chấp xảy ra.
Như vậy, nếu TTC Land đã dùng toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của dự án để thế chấp tại ngân hàng thì để được mở bán cho khách hàng, Công ty cần phải tiến hành giải chấp trước.
>> Trụ sở chính của Đất Xanh (DXG) được thế chấp để phát hành lô trái phiếu 235 tỷ đồng