Doanh nghiệp

'Ông lớn' Nhật Bản AEON gia nhập cuộc chơi cùng 2 'đại gia' Hàn Quốc CGV và Lotte, miếng bánh thị phần rạp chiếu phim tại Việt Nam chuẩn bị chia lại?

Hải Đường 08/08/2024 - 01:19

Cùng với sự phát triển của ngành điện ảnh, thị trường rạp chiếu phim của Việt nam đang ngày càng sôi động.

Theo thống kê từ Statista, doanh thu trong lĩnh vực Phòng vé ở Việt Nam dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5,95% từ năm 2023 đến năm 2028. Quỹ đạo tăng trưởng này dự kiến sẽ mang lại giá trị thị trường khoảng 54,76 triệu USD vào năm 2028.

Trước đó, số liệu công bố ở Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tổng doanh thu hơn 25 phim Việt ra rạp năm 2023 đạt 1.563 tỷ đồng. Đây cũng là cũng là năm đầu tiên thị phần phim nội địa chiếm hơn 42% toàn thị trường.

Những chỉ số tích cực này cho thấy ngành điện ảnh Việt Nam đầy hứa hẹn và nếu có chiến lược đầu tư đúng đắn, các hãng nước ngoài có thể thu lợi lớn từ thị trường phim Việt Nam.

Thị trường rạp chiếu phim đang nằm trong tay các ông lớn Hàn Quốc

Hiện tại, thị trường rạp chiếu phim Việt Nam đang bị thống trị bởi hai thương hiệu lớn đến từ Hàn Quốc là CGV và Lotte Cinema, chiếm tới 71% thị phần. CGV hiện nắm giữ 45% thị phần, trong khi Lotte Cinema chiếm 26%.

CJ CGV là đơn vị thuộc CJ Group , một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành lớn nhất của Hàn Quốc có mặt ở 21 quốc gia trên thế giới. CJ CGV có trụ sở chính đặt tại Seoul, chiếm hơn 50% thị phần tại xứ sở Kim Chi và 8 năm liên tiếp được người tiêu dùng công nhận là thương hiệu rạp chiếu phim tốt nhất. CJ CGV Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam từ năm 2011 sau thương vụ chi 73,6 triệu USD mua lại 80% cổ phần của Megastar - chủ sở hữu hệ thống rạp phim lớn nhất tại Việt Nam khi đó. Hai năm sau, CJ CGV chuyển đổi thương hiệu MegaStar thành CGV. Đơn vị này cũng trở thành đại lý phát hành cho các studio tại Mỹ như UIP hay Warner Bros. Đến cuối năm 2023, hệ thống này có 82 rạp với 477 phòng chiếu phim tại hơn 30 tỉnh, thành. Doanh nghiệp này chủ yếu bám sát kế hoạch mở rộng mạng lưới trung tâm thương mại của hai "ông lớn" bán lẻ Vincom và Central Group.

Lotte Cinema được thành lập vào ngày 9 tháng 9 năm 1999 và được điều hành bởi Bộ phận Điện ảnh của Lotte Shopping Co. Thương hiệu này đã nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành rạp chiếu phim Hàn Quốc và đã có mặt tại Việt Nam vào năm 2008. Sau gần 15 năm thâm nhập thị trường, Lotte Cinema Việt Nam đã mở rộng quy mô gần 50 cụm rạp chiếu phim trên khắp cả nước.

'Ông lớn' Nhật Bản AEON gia nhập cuộc chơi cùng 2 'đại gia' Hàn Quốc CGV và Lotte, miếng bánh thị phần rạp chiếu phim tại Việt Nam chuẩn bị chia lại?
Số lượng chi nhánh của các thương hiệu. Nguồn: Vietdata

Trong năm 2022, CGV ghi nhận doanh thu gần 2.700 tỷ đồng, gấp đôi năm 2021. Lotte Cinema và Galaxy cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 800 tỷ đồng. Dù phải chịu lỗ trong giai đoạn 2020-2022, CGV đã có sự phục hồi mạnh mẽ với lợi nhuận hoạt động gần 260 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 38% so với năm 2022.

Thị trường rạp chiếu phim Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều thương hiệu khác như Galaxy Cinema, BHD Star, Cineplex, Cinestar và Beta Cinemas. Trong đó, Galaxy chiếm 10% thị phần, BHD chiếm 5,5%, và Beta Cinemas chiếm 8%. Hệ thống rạp chiếu của Nhà nước chỉ chiếm khoảng 2% thị phần.

>> Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Châu Á lên kế hoạch tuyển dụng 9.000 nhân sự tại Việt Nam trong năm 2024

Cuộc đua đầu tư vào rạp chiếu phim đã khiến các "ông lớn" chịu thua lỗ nặng trong những năm qua. Từ năm 2020 đến 2022, CGV lỗ ròng tổng cộng 1.200 tỷ đồng, trong khi Lotte lỗ hơn 2.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2022. Beta Cinemas cũng ghi nhận lỗ hàng trăm tỷ đồng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, năm 2023 đã đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của CGV Việt Nam.

'Ông lớn' Nhật Bản AEON gia nhập cuộc chơi cùng 2 'đại gia' Hàn Quốc CGV và Lotte, miếng bánh thị phần rạp chiếu phim tại Việt Nam chuẩn bị chia lại?
Doanh thu của một số rạp chiếu phim tại Việt Nam. Nguồn: Vietdata

Đại gia Nhật Bản gia nhập cuộc chơi, miếng bánh thị phần sẽ chia lại?

AEON Entertainment, công ty con của Tập đoàn AEON Nhật Bản, vừa công bố liên doanh với Beta Media, dự định đầu tư 5.000 tỷ đồng để phát triển 50 cụm rạp chiếu phim cao cấp tại Việt Nam từ nay đến năm 2035. Rạp đầu tiên dự kiến khai trương vào năm 2025, đánh dấu bước đi chiến lược của AEON vào thị trường rạp phim đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Sự hợp tác giữa AEON Entertainment và Beta Media không chỉ dừng lại ở việc mở rộng hệ thống rạp chiếu phim mà còn bao gồm các kế hoạch sản xuất và phân phối phim nội địa. AEON Entertainment hiện là chuỗi rạp lớn nhất Nhật Bản, sở hữu 96 rạp chiếu phim. Liên doanh với Beta Media sẽ mang thương hiệu AEON Beta Cinema đến với khán giả Việt Nam, nhắm vào phân khúc rạp chiếu phim cao cấp.

'Ông lớn' Nhật Bản AEON gia nhập cuộc chơi cùng 2 'đại gia' Hàn Quốc CGV và Lotte, miếng bánh thị phần rạp chiếu phim tại Việt Nam chuẩn bị chia lại?
AEON Entertainment liên doanh với Beta Media

Gắn liền với tên tuổi doanh nhân trẻ Bùi Quang Minh người sáng lập Beta Group thường được biết đến với tên gọi Shark Minh Beta, Beta Media được thành lập từ năm 2014, là đơn vị phát triển và vận hành chuỗi rạp chiếu phim nhắm vào phân khúc tầm trung tại Việt Nam, với hơn 20 cụm rạp trên cả nước.

Trong khi đó, Aeon Entertainment được thành lập từ năm 1991, hiện đang sở hữu 96 rạp chiếu phim, là chuỗi rạp lớn nhất tại Nhật Bản. Aeon Entertainment là một thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn lẻ hàng đầu Châu Á - Aeon với 179 liên doanh trong và ngoài nước.

AEON thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2009, và chính thức thành lập Công ty TNHH AEON Việt Nam - công ty phụ trách lĩnh vực kinh doanh bán lẻ vào cuối năm 2011.

Đến nay, các trung tâm mua sắm và cửa hàng của AEON Việt Nam đã có mặt trên 6 tỉnh thành, với hơn 4000 nhân viên trên toàn quốc. AEON Việt Nam điều hành 8 TTTM cùng chuỗi cửa hàng chuyên doanh bao gồm: Chuỗi cửa hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp AEON Wellness và Glam Beautique, Cửa hàng sản phẩm và dịch vụ cho thú cưng AEON Petemo, Cửa hàng xe đạp và phụ kiện AEON Bicycle Shop, Cửa hàng đồng giá DAISO và Khu vui chơi, giải trí trong nhà AEON Molly Fantasy.

Sự tham gia của AEON vào thị trường này hứa hẹn sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt trong phân khúc rạp chiếu phim cao cấp. Các "đại gia" như CGV và Lotte sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì vị thế của mình trong bối cảnh có thêm những đối thủ mới đầy tiềm năng. Cuộc cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn, và người hưởng lợi cuối cùng sẽ là khán giả Việt Nam với nhiều lựa chọn và dịch vụ chất lượng cao hơn.

>> Shark Minh Beta bắt tay 'đại gia' Nhật Bản, đầu tư 5.000 tỷ đồng mở 50 cụm rạp chiếu phim tại Việt Nam

Shark Minh Beta bắt tay 'đại gia' Nhật Bản, đầu tư 5.000 tỷ đồng mở 50 cụm rạp chiếu phim tại Việt Nam

Việt Nam sẽ có thêm nhiều Lotte Mall

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ong-lon-nhat-ban-aeon-gia-nhap-cuoc-choi-cung-2-dai-gia-han-quoc-cgv-va-lotte-mieng-banh-thi-phan-rap-chieu-phim-tai-viet-nam-chuan-bi-chia-lai-244562.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
'Ông lớn' Nhật Bản AEON gia nhập cuộc chơi cùng 2 'đại gia' Hàn Quốc CGV và Lotte, miếng bánh thị phần rạp chiếu phim tại Việt Nam chuẩn bị chia lại?
POWERED BY ONECMS & INTECH