Ông Trump 'giáng đòn' mạnh nhất vào Trung Quốc kể từ khi nhậm chức
Chính quyền Trump tung loạt biện pháp “cứng tay” kiểm soát đầu tư và thương mại đối với Trung Quốc – từ siết chặt giám sát đầu tư vào các lĩnh vực then chốt đến áp thuế và thu phí đối với tàu thương mại và các hoạt động logistics.
Chính quyền Trump vừa triển khai hàng loạt biện pháp kiểm soát đầu tư và thương mại với Trung Quốc, đánh dấu động thái cứng rắn nhất kể từ khi ông tái đắc cử, tiềm ẩn nguy cơ làm trầm trọng thêm quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong một bản ghi nhớ mới ban hành, Tổng thống Trump chỉ đạo Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) siết chặt giám sát hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực then chốt như công nghệ và năng lượng.
Song song đó, Washington cũng thúc đẩy Mexico áp thuế riêng với hàng hóa Trung Quốc, nhằm ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sản xuất sang nước này để né thuế quan Mỹ.
Đáng chú ý, chính quyền Mỹ còn đề xuất thu phí đối với tàu thương mại do Trung Quốc sản xuất. Thông tin này khiến cổ phiếu vận tải biển Trung Quốc giảm điểm trong phiên giao dịch thứ Hai, trong khi chỉ số CSI 300 biến động nhẹ. Tại thị trường Thượng Hải, đồng nhân dân tệ tăng 0,2% lên 7,2359 NDT/USD vào lúc 12:30.
Bản ghi nhớ gửi tới CFIUS - cơ quan có thẩm quyền thẩm định các thương vụ mua bán, đầu tư nước ngoài - được đánh giá là biện pháp có tác động mạnh nhất.
Văn bản này nhấn mạnh việc bảo vệ "các tài sản chiến lược của Mỹ" bao gồm công nghệ, nguồn cung thực phẩm, đất nông nghiệp, khoáng sản và cơ sở hạ tầng trọng yếu trước những gì được gọi là "mối đe dọa từ nước ngoài".
Các chuyên gia nhận định, loạt động thái trên có thể ảnh hưởng đến nỗ lực đàm phán giảm thặng dư thương mại Trung-Mỹ mà Tổng thống Trump từng bày tỏ mong muốn thực hiện. Đồng thời, điều này cũng tạo ra nhiều bất ổn cho cộng đồng doanh nghiệp khi chính sách thương mại của Mỹ ngày càng cứng rắn.
Phản ứng trước bản ghi nhớ của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Washington không chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề kinh tế, thương mại. Bộ này cảnh báo việc Mỹ tăng cường đánh giá quan hệ kinh doanh dựa trên yếu tố an ninh sẽ làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của doanh nghiệp Trung Quốc.
Số liệu từ công ty tư vấn Rhodium Group cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Bắc Mỹ đã sụt giảm mạnh trong quý cuối năm ngoái, chỉ đạt 191 triệu USD, thấp hơn cả giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch và giảm hơn 90% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, bản ghi nhớ còn đề xuất xem xét lại hiệp định thuế song phương năm 1984, vốn giúp các cá nhân và doanh nghiệp tránh bị đánh thuế hai lần, cũng như cơ chế "thực thể có lãi suất thay đổi" - công cụ giúp doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Theo chuyên gia Chorzempa, việc hủy bỏ các hiệp định này có thể tạo ra nhiều bất ổn cho nhà đầu tư do thiếu sự chắc chắn về nghĩa vụ thuế.
Trong một báo cáo phân tích, UBS Group AG nhận định đề xuất hạn chế đầu tư từ các quỹ hưu trí và quỹ tài trợ Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng trí tuệ nhân tạo của nước này. Bên cạnh đó, các quy định mới có thể tác động trực tiếp đến các công ty hoạt động trong lĩnh vực phần cứng, phần mềm và internet.
Dự thảo quy định về phí đóng tàu cũng yêu cầu một phần hàng hóa của Mỹ phải được vận chuyển bằng tàu Mỹ. Quy định này được đề xuất dựa trên kết quả cuộc điều tra về hoạt động hàng hải, ngành logistics và đóng tàu của Trung Quốc, khởi động từ thời chính quyền Biden và hoàn tất ngay trước khi ông Trump nhậm chức.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường đóng tàu toàn cầu với khoảng 50% sản lượng tàu mới, chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa tăng cao. Theo nền tảng phân tích VesselsValue, tính đến tháng 1, đội tàu Trung Quốc được định giá 255,2 tỷ USD - cao nhất thế giới, vượt qua Nhật Bản (231,4 tỷ USD) và Mỹ (116,4 tỷ USD, xếp thứ 4).

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Cosco Shipping Holdings - doanh nghiệp trước đó bị Lầu Năm Góc đưa vào danh sách đen do cáo buộc liên quan đến Quân đội Trung Quốc - đã giảm tới 8,3% tại Hồng Kông hôm 24/2. Tương tự, cổ phiếu Yangzijiang Shipbuilding Holdings tại Singapore cũng giảm điểm.
Căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về việc ông Trump áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Phía Mỹ cũng nêu nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là "mất cân bằng kinh tế".
Sự mất cân bằng mà phía Mỹ nhắc tới bao gồm thặng dư thương mại 295 tỷ USD của Trung Quốc với Mỹ. Dù ông Trump từng phát tín hiệu có thể đạt thỏa thuận mới với Bắc Kinh, ông cũng đe dọa áp thuế lên tới 60% - mức có thể gây tổn thất nặng nề cho thương mại song phương. Đồng thời, Washington cũng đang điều tra việc tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của Trung Quốc.
Hiện nay, quan hệ hai nước được dự báo sẽ còn nhiều sóng gió khi Tổng thống Mỹ đang thúc đẩy kết thúc chiến tranh Ukraine thông qua đối thoại đột phá với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Mặc dù Trung Quốc ủng hộ việc chấm dứt xung đột để cải thiện quan hệ với châu Âu, giới phân tích cho rằng điều này có thể khiến Washington tập trung sự chú ý nhiều hơn vào Bắc Kinh.
Tham khảo BNN
Siêu cường châu Á đặt mục tiêu kim ngạch thương mại 500 tỷ USD với Mỹ để né thuế quan
Shein tăng tốc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để đối phó thuế quan Mỹ