Cổ phiếu HPG của vua thép Hòa Phát kết phiên 23/6 tại mức 25.400 đồng/cp - cao nhất 1 năm. Mức tăng 20% sau 3 tuần là thành quả xứng đáng cho những cổ đông đã kiên trì "giữ hàng" suốt 5 tháng qua.
VN-Index kết tuần giao dịch từ 19 - 23/6/2023 với 1 phiên giảm và 4 phiên tăng; VN-Index có thêm 14 điểm (+1,25%) và áp sát mốc 1.130.
Rộng hơn, tính từ đầu tháng 6, chỉ số đại diện sàn HOSE đã tăng 54 điểm (+5,02%). Đà tăng này có dấu ấn lớn của 2 cổ phiếu công thần. Nếu như giai đoạn từ 1 - 16/6 vai trò kéo trụ thuộc về cổ phiếu lớn nhất nhóm ngân hàng - VCB thì tuần qua vai trò lại chuyển sang HPG - ông lớn đầu ngành thép.
Diễn biến chỉ số VN-Index 3 tháng gần đây |
Sau 4 phiên tăng liên tiếp, cổ phiếu HPG đóng cửa tuần tại mức 25.400 đồng - giá cao nhất 1 năm.
Tính từ đầu tháng 6 tới nay, mã tăng 20% giá trị qua đó thiết lập chuỗi tăng ấn tượng nhất kể từ nửa cuối tháng 11/2022. Hơn hết, đây chính là thành quả xứng đáng cho những cổ đông đã kiên trì nắm giữ HPG trong giai đoạn sideway từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 5/2023.
Trong nhịp tăng này, vốn hóa HPG tăng 29.500 tỷ đồng lên mức 147.700 tỷ - đứng thứ 7 trên toàn thị trường. Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cũng vượt qua Chủ tịch Tập đoàn Vingroup để trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán với giá trị 38.515 tỷ đồng.
Hiện giá cổ phiếu HPG đã vượt sâu mức dự phóng của một số công ty chứng khoán như HSC, VDS, BSI hay MASC. Chỉ số P/E (ngày) cũng tăng đột biến lên 222.x lần; P/E từ đầu năm ở mức gần 70 lần (đều cao hơn mức trung bình nhóm kim loại công nghiệp).
Khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán |
Câu hỏi đặt ra là, cổ phiếu Hòa Phát còn hấp dẫn để mua vào trong những phiên tới?
Trong báo cáo phân tích ngày 22/6, CTCP AzFin Việt Nam đánh giá, sử dụng chỉ số P/E đơn thuần để đánh giá cổ phiếu HPG thời điểm này sẽ dễ sai lệch và không đúng với thực trạng của công ty bởi kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát những quý vừa qua là rất khó khăn, thậm chí thua lỗ. Vì điều này, mức P/E 210 - 220.x lần không có nhiều ý nghĩa và chưa thể khẳng định là đắt.
AzFin nhận thấy xu hướng tiêu thụ thép của Việt Nam trong tương lai vẫn sáng bất chấp khó khăn ngắn hạn. Vì vậy, triển vọng tương lai của Hòa Phát vẫn được đánh giá cao (trừ những biến cố bất ngờ).
Với mức lợi nhuận cốt lõi trên mỗi 1 tấn thép (trong giai đoạn kinh tế bình thường) vào khoảng 3 triệu đồng, dựa theo định mức sản lượng, lợi nhuận cốt lõi của HPG có thể đạt 26.000 tỷ đồng mỗi năm. Chiếu theo con số này, mức P/E thực tế của HPG khoảng 5,8 lần là không cao trong dài hạn.
Tuy nhiên, thời điểm để tình hình kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát trở lại bình thường vẫn được để ngỏ. Thị trường bất động sản - nơi tiêu thụ sắt thép lớn - đang đóng băng và dự kiến có thể trở lại từ đầu năm 2024. Do đó trong năm 2023, tiêu thụ thép khả năng vẫn kém sắc.
Đồng pha, tiêu thụ thép trên thị trường xây dựng dân dụng cũng yếu và được dự báo có thể ấm lên khi kinh tế ổn định từ quý 4/2023.
Kỳ vọng lúc này là câu chuyện xuất khẩu khi các sản phẩm sắt thép, tôn của Việt Nam có lợi thế khá lớn cũng như thị trường thuận lợi. Yếu tố khác là giải ngân vốn đầu tư công dù chưa như kỳ vọng song đã có sự tăng trưởng trong những tháng gần đây.
AzFin đánh giá, dù đã qua giai đoạn khó khăn song sớm nhất từ cuối năm 2023 hoặc 2024, những bước chuyển lớn mới xuất hiện ở Hòa Phát. Tới đây, nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý 2/2023 của Tập đoàn vẫn rất thấp.
Bỏ qua câu chuyện tích sản cho mục tiêu dài hạn, cú bứt mạnh của cổ phiếu HPG 3 tuần qua chủ yếu dựa trên yếu tố kỳ vọng với nỗ lực kéo giá của dòng tiền lớn (hiện đóng góp từ 50 - 90% khối lượng giao dịch/phiên). Một phiên chậm lại của dòng tiền này hoàn toàn có thể kích hoạt động thái chốt lời của dòng tiền nhóm đầu cơ và nhỏ lẻ trong những phiên tới.
Mỗi cổ đông Novaland (NVL) đang nắm trung bình 32.000 cổ phiếu