Thế giới

‘Mổ xẻ’ rủi ro sau lệnh áp thuế hàng loạt của ông Trump

Trọng Huy - Theo Reuters, CBC News 16/02/2025 - 13:30

Sau hàng nhập khẩu, thép và nhôm, ông Trump nhắm đến việc tăng thuế ô tô nhập khẩu vào Mỹ. Chuyên gia cảnh báo rủi ro bất ổn kinh tế, căng thẳng thương mại leo thang sau loạt động thái cứng rắn của Tổng thống Mỹ.

Đứng ngồi không yên vì câu nói của ông Trump

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Donald Trump nhắm đến việc áp thuế lên ngành ô tô, dự kiến có hiệu lực ngày 2/4. Ông Trump bày tỏ quan điểm cứng rắn trong lúc ký sắc lệnh hành pháp tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng.

Đây là động thái mới trong loạt biện pháp thương mại được ông Trump đặc biệt đẩy mạnh.

Từ khi nhậm chức ngày 20/1, ông Trump áp thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, áp dụng đồng thời với các loại thuế hiện hành. Ông Trump công bố - sau đó hoãn trong vòng một tháng - mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và hàng nhập khẩu không phải năng lượng từ Canada.

Tổng thống Mỹ đồng thời ấn định ngày bắt đầu áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu từ 12/3, sau đó chỉ đạo lập kế hoạch áp dụng thuế quan tương hỗ với mọi quốc gia đánh thuế hàng nhập khẩu Mỹ.

Báo cáo từ thành viên nội các trình lên tổng thống nêu rõ "phương án áp dụng loạt thuế nhập khẩu là cách nước Mỹ định hình lại thương mại toàn cầu". Nhưng theo nhiều chuyên gia và nhiều chuyên trang kinh tế của Mỹ, chính sách của ông Trump nguy cơ tạo ra chiến tranh thương mại.

‘Mổ xẻ’ rủi ro sau lệnh áp thuế hàng loạt của ông Trump ảnh 1
Ông Trump cứng rắn trong loạt chính sách về thương mại, thuế quan.

Tổng thống Mỹ chưa đưa ra thông tin nào khác về ý định áp thuế ô tô. Nhưng thị trường đang phản ứng việc ông xoáy mạnh vào vấn đề ô tô xuất khẩu của Mỹ.

Ông Trump đang nhắm vào Canada, do trước đó Tổng thống Mỹ tuyên bố "Canada đánh cắp ngành công nghiệp ô tô Mỹ", kèm lời đe dọa áp thuế 100% xe nhập khẩu từ quốc gia Bắc Mỹ.

Nhưng các chuyên gia cho biết, ngành công nghiệp ô tô của Mỹ và Canada liên quan chặt chẽ đến mức hiện tại không có loại ô tô nào hoàn toàn là của Canada hay Mỹ.

Theo công ty thu thập dữ liệu ô tô Ward's Intelligence, gần 1/4 số xe mới được bán tại Mỹ năm 2024 được phân loại là xe nhập khẩu. Trước đó, các hiệp định thương mại đưa ra quy tắc xuất xứ mở rộng, cho phép các bộ phận của ô tô bán tại Mỹ được sản xuất tại ba quốc gia. Xe có 75% bộ phận có nguồn gốc từ ba quốc gia đều không phải chịu thuế quan.

Sau tuyên bố của ông Trump nhắm vào ngành ô tô, loạt giám đốc điều hành, trong đó có Jim Farley - CEO của Ford - tỏ thái độ ôn hòa.

"Chúng tôi hoan nghênh ý tưởng của Tổng thống Trump về việc xem xét tất cả xe nhập khẩu vào Mỹ. Chính sách thương mại toàn diện là điều bắt buộc để tổng thống đạt được tầm nhìn củng cố ngành công nghiệp ô tô Mỹ", Farley viết trên X.

Quan điểm này trái với động thái lo lắng, cố gắng vạch chiến lược đối phó trước đó của Jim Farley. Theo Reuters, Farley cho rằng loạt động thái của Tổng thống Mỹ tăng thêm nhiều chi phí và sự hỗn loạn.

Chuyên gia cảnh báo rủi ro

Một nhà kinh tế tại RSM Canada nhận định rất khó để tìm, thậm chí là không thể tìm ra ô tô được sản xuất hoàn toàn tại Canada hoặc Mỹ. Việc áp thuế đối với ngành công nghiệp ô tô gây thiệt hại lớn cho hai nước, do chuỗi cung ứng kết nối chặt chẽ.

"Thực tế là ngành công nghiệp ô tô Bắc Mỹ dành nhiều thập kỷ, mất nhiều tiền để xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp dựa trên tính hợp tác, lợi ích thương mại. Có rất nhiều bộ phận ô tô chỉ được sản xuất tại một quốc gia chuyên biệt", nhà kinh tế nói.

"Việc ông Trump nói Canada đánh cắp ngành công nghiệp này là hoàn toàn không đúng", Peter Frise - giáo sư kỹ thuật ô tô tại Đại học Windsor, Canada - nói lên quan điểm với CBC News.

Vị giáo sư cho rằng, các bộ phận ô tô đi xuyên biên giới nhiều lần trước khi đến điểm lắp ráp hoàn chỉnh. Chuỗi cung ứng được tối ưu hóa cao của ngành được xây dựng trong nhiều thập kỷ, sau từ Hiệp ước ô tô năm 1965 giữa Mỹ và Canada.

‘Mổ xẻ’ rủi ro sau lệnh áp thuế hàng loạt của ông Trump ảnh 2
Thị trường chờ đợi điều gì xảy ra tiếp theo về thuế quan tại Phòng bầu dục - nơi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp.

Ông ví dụ xe bán tải Pacifica của Chrysler được lắp ráp tại Windsor, Canada nhưng động cơ xe được chế tạo tại một nhà máy ở Michigan, Mỹ. Ngược lại, động cơ của Ford được chế tạo tại Windsor-Essex nhưng lắp ráp ở nơi khác.

"Điều đó giảm chi phí, có lợi cho người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho thị trường lao động hai nước. Việc một địa điểm chuyên về bộ phận hoặc cụm lắp ráp cụ thể cũng mang lại chất lượng đồng đều cho sản phẩm", Frise nhận định.

Dân trong ngành cho rằng việc xây dựng và lắp ráp các nhà máy sản xuất phụ tùng và lắp ráp độc quyền mới tại Mỹ tốn hàng tỷ USD, chưa kể mất nhiều thời gian. Chi phí đó sẽ do người tiêu dùng "gánh".

Chuyên gia cũng nhận định tác động của thuế quan đối với ngành ô tô Bắc Mỹ đặc biệt nghiêm trọng. Ngay cả CEO của Ford là Jim Farley cũng nhấn mạnh điều này.

Frise cho rằng mức thuế mới của ô tô tác động gần như lập tức đến giá cả. Doanh số ô tô nguy cơ sụt giảm khi mỗi chiếc xe tăng vọt hàng nghìn USD.

"Ô tô không nằm trong danh mục hàng cấp thiết. Doanh số chững lại đồng nghĩa ô tô không bán được, nhà máy ngừng sản xuất. Điều này có thể khiến trăm nghìn nhân sự bị sa thải. Mọi thứ sẽ diễn ra rất nhanh nếu các mức thuế này có hiệu lực", chuyên gia nói thêm.

Peter Frise đồng thời cho rằng "ông Trump 2.0" nên hiểu sâu sắc về ngành trước khi thực hiện thay đổi lớn. Tác động có thể trái ngược những gì ông Trump tuyên bố cố gắng đạt được là "tạo ra nhiều việc làm sản xuất hơn cho người Mỹ".

>> Nóng: Mỹ công bố kế hoạch áp thuế mới, 'giáng đòn trực diện' vào hàng loạt quốc gia

Nóng: Mỹ công bố kế hoạch áp thuế mới, 'giáng đòn trực diện' vào hàng loạt quốc gia

Ông Trump lệnh lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu mới của Mỹ với nhiều quốc gia

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/mo-xe-rui-ro-sau-lenh-ap-thue-hang-loat-cua-ong-trump-post1717431.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Mổ xẻ’ rủi ro sau lệnh áp thuế hàng loạt của ông Trump
    POWERED BY ONECMS & INTECH