Đây là thảm họa đắm tàu có nhiều người thiệt mạng nhất trong thời bình, gần gấp 3 số trường hợp tử vong trong vụ chìm tàu Titanic nổi tiếng.
Vào ngày 20/12/1987, chiếc phà Dona Paz, có trọng lượng 2.215 tấn, thuộc sở hữu của công ty vận tải Sulpicio Lines của Philippines, đang vận chuyển hành khách từ Tacloban trên đảo Leyte đến Manila. Theo kế hoạch, phà chỉ được thiết kế để chở tối đa 1.400 hành khách giữa các đảo của Philippines.
Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao vào dịp Giáng sinh, công ty chủ quản đã quyết định cho phép hơn 4.000 người lên phà Dona Paz vào ngày định mệnh. Trong chuyến đi kéo dài hơn 600km, khi màn đêm buông xuống, đám đông hành khách la liệt khắp nơi trên phà, ngồi hoặc nằm, thậm chí trải chiếu và tấm bạt tạm trên các lối đi.
Phà Dona Paz neo đậu tại Tacloban trước khi gặp nạn. Ảnh: Internet |
Vào khoảng 22h tối, nhiều thành viên của phi hành đoàn đang thư giãn và xem ti vi trong khi phà đang đi qua eo biển Tablas, cách Manila khoảng 177km về phía nam. Đúng lúc này, tàu Victor do hãng Caltex Philippines sở hữu với trọng tải 629 tấn,chở hơn 8.000 thùng dầu thô cùng các sản phẩm dầu lửa khác, cũng đang đi qua eo Tablas để đến đảo Masbate.
Vào khoảng 23h30, khi hầu hết hành khách đã chìm sâu vào giấc ngủ, phà chở khách và tàu chở dầu đột ngột va chạm. Sự cố gây ra một vụ nổ lớn ngay sau đó, khiến lửa bùng phát dữ dội trên tàu Victor và nhanh chóng lan rộng sang phà chở khách.
Những hành khách trên tàu bắt đầu thức tỉnh và hoảng loạn trước khung cảnh kinh hoàng, trẻ em và phụ nữ kêu gào thảm thiết trong sợ hãi. Có những người đang ngủ thì bị lửa lan ra, cuốn vào người và thiêu cháy mà không có cách nào chạy thoát được.
Sự cố gây ra một vụ nổ lớn ngay sau đó, khiến lửa bùng phát dữ dội trên tàu Victor và nhanh chóng lan rộng sang phà chở khách. Ảnh: Internet |
Hàng trăm người nhảy xuống biển mong có cơ hội sống sót nhưng cũng không thoát khỏi bàn tay tử thần, bởi dưới nước cũng phủ toàn dầu và ngọn lửa nhanh chóng lan theo, thiêu cháy cả những người nhảy xuống biển.
Mặc dù tàu cứu hộ Don Eusebio nhanh chóng đến hiện trường, nhưng suốt 7 giờ đồng hồ sau đó, nó chỉ có thể bất lực quanh quẩn trong khu vực xảy ra tai nạn và tìm kiếm những người còn sống sót.
5 tàu thương mại, 2 tàu tuần tra của Hải quân Philippines và 3 chiếc trực thăng của Không quân Mỹ đã tham gia vào chiến dịch cứu hộ khẩn cấp trên biển. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng chỉ có 24 người sống sót, nhiều trong số họ bị bỏng nặng, với một nửa là các thành viên thủy thủ đoàn thuộc tàu chở dầu Victor.
Cuối cùng, trong số hơn 4.000 người trên tàu Dona Paz và tàu Victor, chỉ có 24 người sống sót, gồm 22 người từ tàu Dona Paz và 2 thuyền viên từ tàu Victor. Theo lời kể của những người sống sót, không có áo phao trên Dona Paz khi tai nạn xảy ra và không ai trong số thủy thủ đoàn ra một lệnh nào. Sau này, có nguồn tin cho biết các tủ chứa áo phao cứu đắm khi đó đã bị khóa lại.
Tàu Dona Paz đã chìm sau khoảng 2 giờ từ khi va chạm, còn tàu chở dầu Victor thì chìm sau khoảng 4 giờ. Cả hai tàu đều chìm ở độ sâu khoảng 545m ở eo biển Tablas, nơi có nhiều cá mập.
Lực lượng cứu hộ dập lửa cháy trên phà Dona Paz sáng 21/12/1987. Ảnh: Internet |
Các đội cứu hộ chỉ phát hiện được 108 thi thể, nhiều trong số họ đã cháy đến mức không thể nhận ra. Một số thi thể khác đã trở thành mồi cho cá mập hoặc dạt vào bờ biển gần đó, người dân địa phương đã tìm thấy và chôn cất họ.
Những nạn nhân được tìm thấy trong thảm họa chìm tàu Dona Paz. Ảnh: Internet |
Tuần tiếp theo sau tai nạn, có nhiều thi thể nạn nhân bị chết đuối hoặc cháy đen trôi dạt vào bờ biển Manila. Tổng thống Philippines khi đó Corazon Aquino gọi đây là "thảm kịch khủng khiếp chưa từng có".
Mặc dù báo cáo chính thức của công ty Sulpicio Lines chỉ nêu rằng, khi rời bến, phà Dona Paz có 1.493 hành khách và 50 thành viên thủy thủ đoàn, nhưng các nguồn tin độc lập khẳng định rằng số hành khách thực tế trên chuyến phà gặp nạn lớn hơn rất nhiều.
Số người thiệt mạng trong vụ tai nạn ngoài khơi Manila vào năm 1987 được cho là lên tới 4.389 người, gần gấp 3 lần số người thiệt mạng trong vụ chìm tàu Titanic nổi tiếng vào năm 1912 (1.503 người). Vì vậy, đối với nhiều người, sự kiện này là thảm kịch đường thủy kinh hoàng nhất trong lịch sử thế giới.
Số người thiệt mạng trong vụ tai nạn ngoài khơi Manila vào năm 1987 được cho là lên tới 4.389 người, gần gấp 3 lần số người thiệt mạng trong vụ chìm tàu Titanic nổi tiếng vào năm 1912 (1.503 người). Ảnh: Internet |
Thời tiết không được xem là nguyên nhân gây ra thảm kịch này, vì vào ngày hôm đó, trời rất đẹp, biển êm và tàu di chuyển với tốc độ ổn định. Nếu không có vấn đề gì xảy ra, tàu có thể đã đến được Manila vào sáng sớm.
Theo cuộc điều tra sơ bộ do Lực lượng Tuần duyên Philippines tiến hành, thì khi tai nạn xảy ra, chỉ có một thợ thủ công trong thủy thủ đoàn của tàu Dona Paz đang trực tại trạm điều khiển của tàu. Các sĩ quan khác đều đang uống bia hoặc xem truyền hình, còn thuyền trưởng của tàu tại thời điểm đó cũng đang xem một bộ phim trong cabin của mình.
Tai nạn hoàn toàn là do lỗi chủ quan và thiếu kinh nghiệm của các thủy thủ trên tàu. Không chỉ vậy, tàu Victor cũng tồn tại vấn đề khi hoạt động không có giấy phép, các thủy thủ và thuyền trưởng cũng không đạt tiêu chuẩn để vận hành một con tàu.
Vụ tai nạn này một lần nữa làm lộ ra những hạn chế nghiêm trọng trong ngành công nghiệp hàng hải của Philippines. Nó cho thấy rằng các quan chức địa phương đã tham nhũng và thường xuyên nhận hối lộ, cho phép nhiều tàu chở quá số lượng quy định.
Ba ngày sau thảm họa, công ty Sulpicio Lines thông báo rằng tàu Dona Paz đã được bảo hiểm 25 triệu Peso và họ sẽ bồi thường cho mỗi người sống sót 20.000 Peso.
Trong những ngày tiếp theo, hàng trăm thân nhân của các nạn nhân đã tụ tập biểu tình tại công viên Rizal, đòi hỏi các chủ tàu cũng phải đền bù cho các gia đình của những nạn nhân không được liệt kê trong danh sách hành khách chính thức, cung cấp báo cáo đầy đủ về những người mất tích.
Đối với nhiều người, sự kiện này là thảm kịch đường thủy kinh hoàng nhất trong lịch sử thế giới. Ảnh: Internet |
Sau đó, do một phần lỗi cũng ở phía tàu Victor, ban điều tra hàng hải cuối cùng đã xóa lỗi của công ty Sulpicio Lines trong vụ tai nạn này. Năm 1999, Tòa án tối cao Philippines phán quyết là chủ tàu chở dầu Victor cũng phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân của vụ va chạm tàu. Đặc biệt, tòa án cũng quyết định rằng các gia đình của những nạn nhân không được liệt kê trong danh sách hành khách chính thức cũng có quyền được bồi thường.
Tròn 10 năm sau thảm kịch chìm phà kinh hoàng Sewol: Vết sẹo không thể xóa trong lòng người sống sót