Phan Rang-Tháp Chàm trước cuộc tái cấu trúc, nhập vào Khánh Hòa
Các quảng trường, công viên và tuyến đường mang tên 16-4 ở Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) rực rỡ ánh đèn màu khi trời dần tối, gợi tò mò về một thành phố có cư dân và lưu lượng xe cộ thưa thớt hơn nhiều so với những đô thị lớn khác.



Các quảng trường, công viên và tuyến đường mang tên 16/4 ở Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) rực rỡ ánh đèn màu khi trời dần tối, gợi trí tò mò về một thành phố có cư dân và lưu lượng xe cộ thưa thớt hơn nhiều so với những đô thị lớn khác.

Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm rực rỡ ánh đèn màu trong một buổi xế chiều tháng 5/2025. Đây là đô thị loại II, tỉnh lỵ và trung tâm hành chính của Ninh Thuận.

Người dân nơi xa khi đến Phan Rang-Tháp Chàm phải ngỡ ngàng vì sự yên bình, xanh mát, tươi đẹp nơi đây. Trước đó, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Ninh Thuận này được định hướng trở thành đô thị thông minh, với mục tiêu đạt diện tích cây xanh đô thị 13m²/người, tỷ lệ rác thải được thu gom và tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100%.

Trung tâm thành phố nổi bật nhất là quảng trường 16/4, một địa điểm mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc. Tên gọi của quảng trường gắn liền với ngày Phan Rang được giải phóng.
![]() | ![]() |
Điểm nhấn của quảng trường là công trình Bảo tàng Ninh Thuận có kiến trúc hiện đại kết hợp bản sắc Chăm Pa. Tòa nhà được thiết kế như cánh buồm lớn vươn mình ra khơi xa, tượng trưng cho khát vọng vươn lên của thành phố biển. Khi nhìn từ trên cao, công trình mang dáng dấp của một kim tự tháp vững chắc, tạo nên hình ảnh ấn tượng giữa lòng thành phố.
Bảo tàng hiện lưu giữ hơn 38.000 hiện vật quý giá, phản ánh các giai đoạn lịch sử và đời sống văn hóa của các dân tộc sinh sống tại Ninh Thuận như Kinh, Chăm, Raglai, Hoa, Cơ Ho, Chu Ru.
![]() | ![]() |
Xung quanh quảng trường 16/4 chưa đầy 500m nhiều trụ sở làm cơ quan nhà nước tọa lạc như: UBND tỉnh (ảnh trái), Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh; Tòa án Nhân dân TP Phan Rang-Tháp Chàm (ảnh phải); Cục thuế; Bảo hiểm xã hội Ninh Thuận.

Phía tây quảng trường là Công viên 16/4, nằm trên trục đường 16/4, tuyến đường đôi đẹp nhất thành phố, nối trung tâm với bãi biển Bình Sơn.

Công viên được xem là "lá phổi xanh" của thành phố, với hệ thống cây xanh, hồ sinh thái rộng lớn, tạo không gian thoáng đãng, trong lành cho các hoạt động thể dục, thư giãn.
![]() | ![]() |
Về đêm, một số tuyến đường trong đó có đường đôi 16/4 rực rỡ ánh đèn màu, gợi trí tò mò về một thành phố có cư dân và lưu lượng xe cộ thưa thớt hơn nhiều so với những đô thị lớn khác.

Theo thống kê, tính đến năm 2023, dân số thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đạt khoảng 207.998 người, trong đó có khoảng 196.459 người sinh sống tại khu vực nội thành.

Phan Rang-Tháp Chàm đóng vai trò là đầu tàu kinh tế của Ninh Thuận, với tỷ lệ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2024, tỉnh này đạt mức tăng trưởng GRDP 8,74%, đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực và 16/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 98,2 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nâng tỷ trọng công nghiệp từ 34,1% năm 2020 lên 41,7% năm 2024.

Trong ảnh, bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ có hình vòng cung dài khoảng 10km, tạo nên khung cảnh thơ mộng và hấp dẫn.

Bãi cát Bình Sơn trắng mịn kết hợp với làn nước biển trong xanh tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Tính đến tháng 11/2024, Ninh Thuận đã cấp phép cho 472 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 238.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm 139 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 52.300 tỷ đồng.

Liền kề bãi biển là Công viên biển Bình Sơn, một trong những điểm đến hấp dẫn nhờ không gian xanh mát, phù hợp cho các hoạt động dạo bộ, thư giãn và tổ chức sự kiện. Công viên còn là nơi thường xuyên diễn ra các lễ hội văn hóa và nghệ thuật đặc sắc.

Tại khu vực hồ Thủy Sinh trung tâm thành phố, dự án trọng điểm Khu đô thị mới Bờ sông Dinh rộng 37ha vừa khởi công tháng 4/2025. Sau khi khánh thành, một công trình nhà ở xã hội cao 24 tầng với khoảng 932 căn hộ sẽ chứa được 6.500 người.
Trước đó, khu vực Hồ Thủy Sinh từng là vùng trũng chứa nước mưa và nước thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để cải thiện tình trạng này, Dự án Môi trường bền vững thành phố Phan Rang-Tháp Chàm bao gồm việc xây dựng hệ thống thoát nước, nhà máy xử lý nước thải và cải tạo các kênh mương được triển khai từ cuối năm 2017 với tổng vốn 97,9 triệu USD.

Nói đến thủ phủ của Ninh Thuận không thể không nhắc tới tháp Pô Klong Garai nằm trên đỉnh đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh. Công trình được vua Chế Mân xây từ cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 để thờ vị vua cùng tên. Đây được xem là cụm tháp đẹp và hùng vĩ trong hệ thống tháp Chăm trên cả nước, một tuyệt tác của người Chăm xưa để lại.
Năm 1979, tháp được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích Di tích Quốc gia và đến năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Phan Rang-Tháp Chàm cũng là nơi giao thoa tôn giáo - văn hóa độc đáo, tiêu biểu cho sự khoan dung và đa dạng tín ngưỡng của Việt Nam. Các tôn giáo và tín ngưỡng tại đây không chỉ tồn tại song song mà còn góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và lễ hội của cư dân địa phương.
Trong ảnh là nhà thờ Giáo xứ Phan Rang ở số 498 đường Thống Nhất, phường Kinh Dinh. Công trình được xây dựng trên khu đất rộng 7.593m². Kiến trúc của nhà thờ mang phong cách đơn giản với mái chữ A và tháp chuông cao, tạo nên vẻ trang nghiêm, thanh thoát.

Theo phương án đã được Trung ương thông qua, Ninh Thuận và Khánh Hòa sẽ sáp nhập thành tỉnh mới lấy tên là Khánh Hòa, với trụ sở hành chính đặt tại Nha Trang (Khánh Hòa). Hai tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập tỉnh, do hai Bí thư Tỉnh ủy làm đồng trưởng ban.
Tỉnh Ninh Thuận thống nhất sắp xếp 62 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay còn 24 xã, phường.
Trong thời gian tới Phan Rang-Tháp Chàm sẽ giảm từ 15 phường và 1 xã xuống còn 5 phường, được đặt tên từ Phan Rang 1 đến Phan Rang 5. Các phường hiện tại sẽ được sáp nhập để hình thành các phường mới. Ví dụ, sáp nhập các phường Kinh Dinh, Phủ Hà, Đài Sơn và Đạo Long thành phường Phan Rang 1; sáp nhập các phường Mỹ Bình, Mỹ Đông, Mỹ Hải và một phần phường Đông Hải thành phường Phan Rang 2.
>> Thành phố có tên dài nhất Việt Nam sắp tinh gọn đơn vị hành chính, chỉ còn 3 phường
Sáp nhập Khánh Hòa - Ninh Thuận, hình thành trung tâm năng lượng tái tạo khổng lồ
Ninh Thuận mời Trung Nam cùng loạt doanh nghiệp đấu giá hai dự án cấp nước, khởi điểm 336,8 tỷ