Phát hiện kho báu “vàng trắng” tại miệng núi lửa Nevada: Mỹ nắm được “vũ khí” xoay chuyển cục diện ngành xe điện

06-11-2023 19:10|Phương Nhi

Miệng núi lửa Neveda đang sở hữu một trong những mỏ khoáng sản lớn nhất thế giới với khoảng 20-40 triệu tấn kim loại lithium chưa được khai thác.

Phát hiện kho báu “vàng trắng” tại miệng núi lửa Nevada: Mỹ nắm được “vũ khí” xoay chuyển cục diện ngành xe điện

Mỹ vừa tìm được mỏ lithium lớn nhất thế giới, nằm dọc theo biên giới 2 bang Nevada và Oregon, tờ Chemistry World đưa tin. Được biết, trữ lượng lithium được tìm thấy ở đây có khả năng đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng lớn đối khoáng sản này.

Thời gian gần đây, nhu cầu toàn cầu về pin lithium được dự báo sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030. Loại khoáng sản này đa phần đều đến được nhập khẩu từ Úc và Chile, song chính quyền Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng nội địa ngay tại Mỹ để đáp ứng các mục tiêu năng lượng sạch.

Theo ước tính từ các chuyên gia, miệng núi lửa Neveda đang sở hữu khoảng 20-40 triệu tấn kim loại lithium chưa được khai thác. Con số này lớn hơn nhiều so với trữ lượng lithium được tìm thấy bên dưới cánh đồng muối Bolivia, trước đây là nơi có trữ lượng lớn nhất thế giới.

“Nếu ước tính ban đầu là chính xác thì mỏ lithium này cực kỳ lớn. Việc khai thác này có thể sẽ thay đổi động lực của lithium trên toàn cầu, cả về giá cả, an ninh nguồn cung và địa chính trị”, Anouk Borst, nhà địa chất tại Đại học KU Leuven và Bảo tàng Hoàng gia Trung Phi ở Tervuren.

Phát hiện kho báu “vàng trắng” tại miệng núi lửa Nevada: Mỹ nắm được “vũ khí” xoay chuyển cục diện ngành xe điện

Theo Bloomberg, hõm chảo McDermitt được hình thành cách đây 16 triệu năm đã để lại cho Nevada một dải dài của những ngọn núi hùng vĩ, dưới chân là những thung lũng khô cằn chứa đầy những kho báu thế kỷ, chẳng hạn như vàng, bạc, thủy ngân, uranium…Núi lửa ở McDermitt phun trào hàng triệu năm về trước và để lại một miệng núi chứa đầy đất sét smectite giàu lithium.

Thomas Benson, nhà địa chất tại Lithium Americas Corporation, cho hay: “Nghiên cứu trước đây cho thấy illit có ở khắp nơi trong miệng núi lửa và được hình thành khi nhiệt độ, áp suất cao biến smectite thành illit.”

Tuy nhiên, thông qua phân tích nghiên cứu mới đây, ông Benson đã phát hiện ra một lớp illit dày khoảng 40m đã được hình thành trong lớp trầm tích dưới hồ. Chất lỏng dâng lên qua những vết nứt hình thành khi núi lửa hoạt động trở lại, chuyển đổi smectite thành illit ở phần phía Nam của đèo Thacker Pass. Hiện tượng này gọi là ‘làm giàu thủy nhiệt’ và chúng gián tiếp tạo ra illit - loại đất sét giàu lithium. Lượng lithium có trong khoáng vật illit gần gấp đôi so với khoáng vật đất sét thông thường là magie smectite.

Theo đó, Benson cho biết công ty của ông dự kiến sẽ bắt đầu khai thác khu vực này vào năm 2026. Công ty sẽ tách đất sét bằng nước, sau đó tách các hạt nhỏ chứa lithium khỏi các khoáng vật lớn với phương pháp ly tâm. Đất sét sau đó sẽ được lọc trong các thùng axit sulfuric để chiết xuất lithium.

Nếu nhóm của Benson có thể chiết xuất lithium theo cách tốn ít năng lượng hoặc quy trình không tiêu thụ nhiều axit thì điều này còn có ý nghĩa về mặt kinh tế. Mỹ sẽ có nguồn cung lithium riêng và các ngành công nghiệp sẽ không gặp trở ngại về tình trạng thiếu nguồn cung.

Lithium được ví như "vàng trắng", có giá khoảng 37.000 USD/tấn. Điều này đồng nghĩa mỏ lithium vừa được phát hiện tại Mỹ có giá trị ước tính khoảng 1.480 tỷ USD. Hiện nay, pin lithium được chú trọng phát triển trên những ứng dụng phương tiện di chuyển chạy bằng điện như xe đạp điện, xe máy điện, ô tô điện,... hoặc kỹ thuật ở các ngành quân đội, hàng không.

Đầu năm nay, Tập đoàn GM công bố khoản đầu tư lên tới 650 triệu USD vào Lithium Americas để được tiếp cận độc quyền lithium từ đèo Thacker Pass. Bên cạnh đó, Lithium Americas hiện cũng đã tuyên bố chủ quyền tại các khu vực xoay quanh miệng núi lửa.

Sau khi kế hoạch về dự án này được công bố, các đối thủ cạnh tranh cũng ra sức rượt đuổi trong cuộc đua khai thác lithium, trong đó có một công ty đến từ Australia. “Dự án của chúng tôi cần thực hiện ngay bây giờ. Hiện không còn nhiều thời gian để chần chừ", James Calaway, Chủ tịch Ioneer, một công ty Australia đang phát triển mỏ khai thác phía tây nam Nevada, cho biết.

Được biết, Lithium Americas đã hứa hẹn cung cấp 300 công việc lâu dài, với mức lương trung bình là 62.000 USD, tức gần gấp đôi thu nhập bình quân đầu người của quận Humboldt, California. Bên cạnh đó, công ty này còn tổ chức các buổi hội thảo đào tạo việc làm cho người dân địa phương và cam kết đầu tư 5 triệu USD cho một trường mầm non và bảo tàng văn hóa mới. Tuy nhiên, dự án này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân địa phương. Đa số các chủ trang trại tại đây đều cho rằng việc khai thác mỏ khoáng sản ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm nuôi gia súc, di sản, đời sống và đất đai tổ tiên họ để lại.

Liều ăn nhiều, tỷ phú giàu nhất Australia trở thành “nữ hoàng Lithium" đầu tiên của thế giới

Trung Quốc chi tiền "khủng" để khai thác "kho báu" có trữ lượng 120 triệu tấn/năm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/phat-hien-kho-bau-vang-trang-tai-mieng-nui-lua-nevada-my-nam-duoc-vu-khi-xoay-chuyen-cuc-dien-nganh-xe-dien-209515.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Phát hiện kho báu “vàng trắng” tại miệng núi lửa Nevada: Mỹ nắm được “vũ khí” xoay chuyển cục diện ngành xe điện
POWERED BY ONECMS & INTECH