Tương lai năng lượng xanh vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có đáp án, nhưng hàng loạt tên tuổi đình đám đã chen chân vào đường đua khai thác lithium.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), tổng trữ lượng lithium dưới vỏ trái đất khoảng 98 triệu tấn. Như vậy, một phần quan trọng của tương lai năng lượng xanh phụ thuộc vào tài nguyên hữu hạn này. Đây là tiền đề nổ ra cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Hàng loạt “ông lớn” xuất trận
Cái tên liên tục được nhắc đến rất dày trong thời gian gầy đây là Tập đoàn dầu khí lớn thứ 2 thế giới, Exxon Mobil. Dù năng lượng hóa thạch chưa hết sứ mệnh lịch sử, nhưng “gã khổng lồ” này đã chi 100 triệu USD mua 50.000 ha đất để tìm kiếm quặng lithium, một thành phần cốt yếu để sản xuất pin xe điện.
Hay như trong nhiều năm trước, Shandong Mingrui, nhà khai khoáng hàng đầu Trung Quốc đã thâu tóm dự án tìm kiếm lithium ở phía Nam Mali trị giá 78 triệu USD. Điều đáng nói, khu mỏ này ban đầu chỉ đáng giá 40.000 USD, nhưng sau 1 năm tăng giá 2.000 lần.
Thương vụ của Shandong Mingrui gây choáng váng giới đầu tư ở quốc gia Tây Phi thời điểm đó, hé lộ tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc trở thành quốc gia thống trị trong kỷ nguyên năng lượng xanh sau nhiều thập kỷ “ngồi ngoài” cuộc chơi năng lượng hóa thạch giữa Mỹ, Nga và OPEC.
Trong 10 năm qua, các công ty Trung Quốc như Chiết Giang Huayou Cobalt, Tập đoàn Tài nguyên Sinomine và Tập đoàn Liti Chengxin đã đầu tư 6 tỷ USD vào những dự án khai thác lithium ở Zimbabwe, Argentina, Australia, Canada, Congo, Mexico và Chile.,...tìm kiếm “vàng trắng”.
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia (UBS) tại Thụy Sĩ dự báo, năng lực khai thác lithium hiện nay của Trung Quốc bao gồm cả dự án ở Tây Úc, Mỹ Latin và châu Phi có thể hơn 700.000 tấn.
Trong khi đó, Đức là đại diện tiêu biểu của châu Âu tham gia cuộc đua lithium. Nước này sẵn sàng lao vào cạnh tranh chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư với Trung Quốc ở Australia, Argentina và Chile - những quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới.
Các chiến lược gia tại Exxon Mobil cho rằng, xe hạng nhẹ dùng động cơ đốt trong sẽ bão hòa từ năm 2025, tất yếu sẽ dẫn tới bùng nổ xe điện. Theo ước tính, số lượng xe điện tăng 1% thì cần tăng thêm 40% khối lượng lithium. Đến 2050, nhu cầu về khoáng sản này dự báo sẽ tăng gấp 5 lần so với hiện nay.
Cần chiến lược bài bản
Trong bối cảnh trật tự toàn cầu đang được tái cấu trúc, sẽ thay đổi một số nội hàm của khái niệm “vị thế quốc gia” hay “địa chính trị”. Trong đó, tài nguyên, đặc biệt là khoáng sản chiến lược như lithium là yếu tố cấu thành cực kỳ quan trọng, giúp duy trì ảnh hưởng về mặt chính trị của quốc gia trong ngoại giao quốc tế.
Theo Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ, Việt Nam có khoảng 1 triệu tấn lithium ở Quãng Ngãi, xếp vào nhóm nước có trữ lượng trung bình trên thế giới, đủ điều kiện để khai thác, chế biến. Điều này sẽ giúp Việt Nam có những tính toán lâu dài cho tương lai ngành công nghiệp xe điện.
Nền khai khoáng sản nước ta có bề dày kinh nghiệm hàng thế kỷ, từng được tiếp xúc với công nghệ hàng đầu thế giới. Nhưng quá trình quốc hữu hóa từ cuối thể kỷ 20 đến nay xuất hiện nhiều bất cập, gây thất thoát, lãng phí, như bán than thô nhập về tinh phẩm; xuất khẩu dầu thô nhập xăng... Thực trạng đó ra câu hỏi: Việt Nam có nên mở cánh cửa rộng hơn cho khu vực tư nhân đầu tư thăm dò, khai thác và áp dụng công nghệ tân tiến trong chế biến? Tái cấu trúc các tập đoàn khai khoáng đang thua lỗ trên tài nguyên “vàng?
Bên cạnh đó, cần ưu tiên xây dựng một số ngành công nghiệp đủ mạnh để tiêu thụ sản phẩm làm ra. Một cách cụ thể, với lithium phải gắn liền với công nghiệp xe điện, điện tử.
Rõ ràng, chung ta phải hợp tác với bên ngoài để tận dụng công nghệ chế biến hiện đại. Tuy nhiên, các nước giàu đang chạy đua thâu tóm trữ lượng lithium quy mô toàn cầu. Do đó, Việt Nam cần có cơ chế “miễn dịch” để tài nguyên không rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra, với tầm nhìn dài hạn, bắt buộc phát triển công nghệ tái chế pin lithium do trữ lượng khoáng sản có hạn; đồng thời xử lý sự cố môi trường trong quá trình khai thác và tinh luyện để tránh rơi vào “bẫy” tài nguyên như Trung Quốc, Myanmar, Mỹ Latin.
Những bài học kinh nghiệm với than đá, dầu mỏ, apatit,… cho thấy chúng ta nên chấm dứt thời kỳ khai thác và xuất khẩu các khoáng sản thô quan trọng; đồng thời cần có hệ sinh thái chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khai khoáng và chế biến sâu, nhà máy VinES của Vingroup ở Hà Tĩnh là nền tảng tốt.