Phát hiện loại bột trong phấn rôm trẻ em có chứa hợp chất thuộc nhóm có thể gây ung thư: 29 chuyên gia quốc tế lập tức đưa ra cảnh báo
Quyết định dựa trên những bằng chứng hạn chế liên kết việc sử dụng loại bột này với các ca bệnh ung thư ở người, đặc biệt là ung thư buồng trứng.
Theo AFP, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), một tổ chức trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mới đây đã đưa ra thông báo quan trọng rằng, bột talc - thành phần chính trong phấn rôm trẻ em, đã được xếp vào Nhóm 2A – nhóm các hợp chất có khả năng cao gây ung thư cho con người.
Quyết định này dựa trên những bằng chứng hạn chế liên kết việc sử dụng bột talc với các ca bệnh ung thư ở người, đặc biệt là ung thư buồng trứng.
Theo đó, thông cáo báo chí của IARC ngày 5/7 cho biết: "Sau khi xem xét kỹ lưỡng các tài liệu khoa học hiện có, nhóm công tác gồm 29 chuyên gia quốc tế đã phân loại bột talc vào nhóm có khả năng cao gây ung thư cho con người (Nhóm 2A)".
Talc, hay còn gọi là bột tan hoặc hoạt thạch, là một hợp chất thiên nhiên với công thức hóa học Mg3[(OH)2|Si4O10], thường được khai thác từ các mỏ đá trên toàn thế giới. Loại bột trắng, mịn, không mùi và không tan trong nước này được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, từ sản xuất giấy, nhựa, sơn, cao su, cáp điện cho đến gốm sứ.
Trong đời sống hàng ngày, talc là thành phần chính trong nhiều sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da, bao gồm phấn nền, kem nền, kem che khuyết điểm, phấn phủ và mặt nạ. Tuy nhiên, ứng dụng nổi tiếng nhất của bột talc là trong phấn rôm dành cho trẻ em.
Theo IARC, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng bột talc thường xuyên ở khu vực gần bộ phận sinh dục có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
Các thử nghiệm trên động vật cho thấy khi chuột được phơi nhiễm với bột talc, tỷ lệ mắc ung thư tủy thượng thận và ung thư phổi gia tăng đáng kể. Chuột đực còn phát triển các khối u ở tuyến thượng thận.
Theo quy định của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), một tác nhân có thể được xếp vào Nhóm 2A nếu có bằng chứng hạn chế về khả năng gây ung thư ở người, nhưng có bằng chứng đầy đủ về khả năng gây ung thư ở động vật thí nghiệm.
Điều này có nghĩa là dù chưa có bằng chứng rõ ràng ở người, nhưng các kết quả từ thí nghiệm trên động vật đã đủ mạnh để cảnh báo rằng tác nhân đó có thể gây ung thư và do đó, cần được giám sát và nghiên cứu thêm.
>> Tìm ra cách tinh chế khoáng chất đất hiếm hiệu quả cao từ hóa chất chữa ung thư
Những người có nguy cơ cao mắc 4 loại ung thư phổ biến
Loại hạt là 'thuốc chống ung thư tự nhiên' có ở Việt Nam, còn được mệnh danh 'vua bổ xương khớp'