Phát triển hạ tầng giao thông Cần Giờ, ưu tiên nhất là cầu hơn 10 nghìn tỷ

11-07-2023 13:05| Hồ Văn

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, cầu Cần Giờ sẽ được khởi công vào dịp 30/4/2025, với tổng đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Sáng 11/7, Kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM tiếp tục ngày thứ 2, chất vấn Giám đốc Sở GTVT, Du lịch và Chủ tịch quận 1.

Mở đầu phiên chất vấn với Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm, nhiều đại biểu quan tâm đến các dự án thuộc lĩnh vực giao thông.

Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm đặt vấn đề: “Dự án cầu Cần giờ là mong mỏi hàng chục năm nay của dân Cần Giờ, cũng là dự án phát triển kinh tế về hướng biển. Vậy, khi nào khởi công?”

Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm chất vấn về tiến độ cầu Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Huế

Trả lời, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết nơi đây trong tương lai là đô thị xanh, do đó vừa phát triển, vừa bảo tồn. 

Để phát triển Cần Giờ thì hạ tầng giao thông phải đi trước, trong đó dự án cầu Cần Giờ là ưu tiên nhất. UBND TP đã giao cho Sở GTVT lập dự án tiền khả thi và cơ bản đã xong.

Cũng theo ông Lâm, cầu Cần giờ là dự án lớn, với tĩnh không đạt 55m, tổng vốn đầu tư trên 10 nghìn tỷ đồng và sẽ đầu tư theo hình thức PPP. 

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: Nguyễn Huế

“Về kỹ thuật cơ bản đã xong, hiện đang tiến hành rà soát chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng….để kịp khởi công vào dịp kỷ niệm ngày 30/4/2025”, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết.

Ông Lâm cũng cho biết, bên cạnh cầu Cần Giờ, Sở GTVT đang rà soát, mở rộng các cầu hiện hữu trên đường Rừng Sác, vì các cầu hiện nay hẹp hơn so với tuyến đường.

Metro sẽ vận hành thương mại đúng cam kết

Đại biểu Trần Văn Thắng (quận 11) quan tâm đến dự án metro số 1 có hoàn thành đúng cam kết cuối năm không? Và vấn đề hiệu quả thế nào khi vận hành thương mại…

Đại biểu Trần Văn Thắng chất vấn về hệ thống đường sắt metro số 1. Ảnh: Nguyễn Huế

Về tuyến metro số 1, ông Trần Quang Lâm cho biết, Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ cuối năm 2023 và đưa vào vận hành thương mại đầu năm 2024. 

Các giải pháp, kế hoạch để đưa vào vận hành đã được xây dựng hoàn chỉnh, nhằm khai thác an toàn và có hiệu quả về kinh tế. Trong vận hành, an toàn giao thông và an toàn về PCCC được đặt lên ưu tiên hàng đầu 

Đối với vấn đề thẻ vé, ông Lâm cho biết, trước mắt được đầu tư công nghệ thẻ vé đóng của Nhật Bản. Về lâu dài, Sở GTVT được sự hỗ trợ từ Vương Quốc Anh để nghiên cứu loại thẻ vé mở, là loại thẻ sau này tích hợp được nhiều tính năng thanh toán khác nhau, chứ không riêng việc thanh toán tiền khi đi metro.

Tuyến metro số 1 đang trong quá trình chạy thử

Đại biểu Đặng Trần Trúc Giao đặt vấn đề, Nghị quyết 98 đã được Quốc hội thông qua thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thời gian tới ngành giao thông tận dụng và phát huy thế nào trong lĩnh vực của mình?

Ông Giao cũng hỏi Giám đốc Sở GTVT sẽ tham mưu thế nào để việc giao thông đi trước, mở đường cho phát triển kinh tế.

Trả lời về nội dung phát triển kinh tế giao thông, ông Lâm cho biết, đây là khái niệm mới, thành phố đang trong quá trình tiếp cận. 

Theo ông Lâm, kinh tế giao thông là đầu tư giao thông để kích thích phát triển kinh tế và ngược lại. 

Ví dụ như, với các dự án giao thông, thành phố nghiên cứu rà soát quỹ đất dọc hai bên các dự án để tạo nguồn thu ngân sách. 

“Hiện nay, các dự án như Vành đai 3, Rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương-Bến Cát….thành phố nghiên cứu theo hướng rà soát quy hoạch đất đai dọc hai bên sông, tạo quỹ đất dọc theo các dự án, vừa tạo nguồn thu kinh tế và không gian cho dự án”, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm thông tin.

Cũng theo ông Lâm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98, cho phép TP.HCM thí điểm các chính sách vượt trội. Theo đó, các dự án hiện nay được tách gói bồi thường, giải tỏa riêng, đây là chính sách mới và tạo điều kiện đẩy nhanh triển khai các dự án giao thông nói riêng và các lĩnh vực khác. 

Ông Lâm cũng cho biết, đầu tư cho giao thông của thành phố hiện chỉ đạt khoảng 30% so với nhu cầu. Với Nghị quyết 98, hy vọng sẽ đẩy nhanh hơn về hạ tầng về giao thông đô thị cho thành phố.  

Siêu cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ dự kiến nộp ngân sách 40.000 tỷ đồng/năm

Dự kiến đưa siêu cảng biển Cần Giờ vào quy hoạch quốc gia

Dự kiến đưa dự án điện gió hơn 300.000 tỷ đồng ở Cần Giờ vào Quy hoạch điện VIII

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/phat-trien-ha-tang-giao-thong-can-gio-uu-tien-nhat-la-cau-hon-10-nghin-ty-2164023.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Phát triển hạ tầng giao thông Cần Giờ, ưu tiên nhất là cầu hơn 10 nghìn tỷ
POWERED BY ONECMS & INTECH