Phó Chủ tịch Quốc hội: Nếu không có chính sách tốt sẽ không giữ được những cán bộ cần giữ
"Nếu không có chính sách tốt sẽ không giữ lại được những cán bộ cần giữ và không đưa ra được những cán bộ cần chuyển sang lĩnh vực khác", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho hay.
Triển khai đồng bộ việc sắp xếp
Sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11 năm 2024.
Thông tin tại phiên họp, Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết, cử tri và nhân dân tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, đánh giá cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn.
Cử tri và nhân dân kỳ vọng, việc thực hiện chủ trương trên sẽ tạo sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Đồng thời, cử tri cũng mong muốn khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH |
Góp ý vào báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đất nước đang có sự thay đổi, phát triển, chuyển mình vượt trội trông thấy về mọi mặt để làm cơ sở bước vào năm 2025, chuẩn bị đại hội các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
“Hơn 10 năm rồi mới chứng kiến tăng trưởng dự kiến 7% và 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt, có chỉ tiêu vượt”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Đề cập việc thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp vào giữa tháng 2/2025 và Quốc hội sẽ họp vào cuối tháng 2/2025 để xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền để triển khai đồng bộ việc sắp xếp.
“Lần này sắp xếp không chỉ ở Chính phủ, bộ, ngành mà ở các ban Đảng, Quốc hội. Tương tự các tỉnh, thành cũng đang triển khai chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Có cơ chế, chính sách thật mạnh, vượt trội
Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lưu ý, cần làm tốt hơn việc tuyên truyền các chủ trương mới về tinh gọn bộ máy, các quyết sách của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ liên quan phát triển kinh tế - xã hội, từ đó, tạo được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cử tri, nhân dân cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: QH |
Theo bà Thanh, một nội dung rất quan trọng trong đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là phải coi trọng cơ chế, chính sách hợp lý, thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế.
Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, thời gian trước đây, khi thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo nghị quyết 39 của Trung ương đã có một phần rất quan trọng là chế độ chính sách. Hiện nay quy mô nền kinh tế, ngân sách lớn hơn rất nhiều so với trước đây và có điều kiện chăm lo cho cán bộ, công chức, người lao động.
“Việc sắp xếp ngoài mục tiêu tinh giản, phục vụ cho sự nghiệp thì những người trong diện sắp xếp cũng là người dân, cán bộ. Nếu chúng ta quan tâm đến đời sống của họ cũng là thực hiện mục tiêu khi đất nước phát triển thì người dân được hưởng thụ thành quả”, bà Thanh cho hay.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, báo cáo cần bổ sung, có cơ chế, chính sách thật mạnh, vượt trội như trước đây để khuyến khích những người còn 2-3-4 năm có thể sẵn sàng nghỉ, nhường chỗ cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản ở lại trong hệ thống.
Bên cạnh đó, bà Thanh cũng gợi nhớ lại, trước đây có xu hướng chuyển dịch từ khu vực công sang khu vực tư rất nhiều và về tổng thể thì không có vấn đề gì.
"Nhưng e rằng những người từ khu vực công sang khu vực tư là những người tốt (có năng lực - PV), còn những người không tốt, trung bình lại ở lại. Nếu không có chính sách tốt sẽ không giữ lại được những cán bộ cần giữ và không đưa ra được những cán bộ cần chuyển sang lĩnh vực khác", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho hay.
>>Cần chính sách vượt trội để công chức nghỉ hưu sớm nhường chỗ cho cán bộ trẻ
Bộ Tư pháp lấy ý kiến cán bộ chủ chốt về sắp xếp tổ chức bộ máy
Tổng Bí thư: Ban Kinh tế Trung ương cần cách mạng về tư duy và tổ chức bộ máy